LHP Việt Nam lần thứ 18: Đa dạng đang “đè bẹp” chất lượng
LHP Việt Nam lần thứ 18 năm 2013 đang bước vào giai đoạn nước rút khi Ban tổ chức (BTC) cho biết, ngày 15/9 tới đây là hạn chót để các đơn vị sản xuất phim gửi tác phẩm đến BTC chấm chọn, xét giải. LHP lần thứ 18 sẽ diễn ra từ ngày 11 - 15/10/2013 tại thành phố Hạ Long do Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức.
“Lửa Phật” đã tham gia LHP Việt Nam lần thứ 18 sau ít ngày công chiếu
Theo TS. Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) thì: “LHP Việt Nam lần thứ 18 có một ý nghĩa rất đặc biệt vì được tổ chức vào năm 2013, nghĩa là sau 60 năm kể từ khi Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh Việt Nam (1953 – 2013). Đồng thời, sự kiện diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh, cũng là tròn 50 năm địa phương này được thành lập. Do đó, các sự kiện chính và bên lề sẽ được BTC nhấn mạnh trong LHP lần thứ 18”.
TS. Ngô Phương Lan cũng nhận định: “LHP Việt Nam lần thứ 18 chắc chắn sẽ có sự tham gia của đa dạng các dòng phim. Cụ thể, các dòng phim như: thương mại, giải trí, hài, hành động… sẽ tham gia đầy đủ. Bên cạnh đó còn có các bộ phim của các hãng phim Nhà nước đi theo dòng nghệ thuật, nhiều bộ phim theo dòng chính thống và cũng có nhiều bộ phim phục vụ nhiệm vụ chính trị".
Như vậy, LHP lần này sẽ có sự tham gia của đa dạng các dòng phim, phong phú cả về chất lượng và nội dung”. Điều này được chứng minh khi nhìn vào danh sách phim dự thi chưa chính thức (tới hiện tại) BTC cung cấp cho truyền thông trong một cuộc họp báo gần đây.
Cụ thể, đến hết tháng 8/2013, BTC đã nhận được 20 phim chiếu rạp (6 phim truyện nhựa, 14 phim dạng kỹ thuật số), trong đó có hơn 10 phim đã chính thức gửi hồ sơ đầy đủ; và một số phim đăng ký tham dự và đang hoàn thiện hồ sơ như: “Thiên mệnh anh hùng”, “Cô dâu đại chiến”, “Lửa Phật”, “Nhà có 5 nàng tiên”, “Hoàng tử & Lọ lem”, “Đam mê”, “Cát nóng”, “Cưới ngay kẻo lỡ”, “Nàng men chàng bóng”...
Ngoài ra, đã có hơn 60 bộ phim thuộc các thể loại video (10 phim), phim tài liệu (22 phim), phim khoa học (10 phim), phim hoạt hình (20 phim)... cũng đã đăng ký tham dự LHP lần này. BTC nhận định danh sách phim dự thi và tham gia LHP lần thứ 18 chắc chắn sẽ còn nối dài cho đến ngày “khóa sổ” và sự đa dạng các dòng phim như BTC dự báo đã đến.
Tuy nhiên, nhiều người dân đang lo ngại về chất lượng và nội dung của một vài bộ phim chiếu rạp trong thời gian vừa qua đã tham dự LHP lần này. Chẳng hạn như bộ phim hài với mục đích giải trí, gây cười nhưng ý nghĩa không nhiều, thậm chí có cái nhìn thiếu khách quan về người đồng tính được truyền thông xếp vào hạng mục “thảm họa” như “Nàng men chàng bóng” (sản xuất năm 2012).
Hoặc phim “Hello cô Ba” cũng ra rạp năm 2012 dịp Tết Nhâm Thìn, chủ yếu mang lại nụ cười cho khán giả qua diễn xuất của các nghệ sĩ “hot” hiện nay như: danh hài Hoài Linh, Tấn Beo… Dẫu rằng mục đích tạo tiếng cười đã đến nhưng xem xong “Hello cô Ba”, khán giả chẳng một “tì vết” ấn tượng. Bởi lẽ “Hello cô Ba” có cốt truyện đơn giản và quá dễ đoán với người xem, bên cạnh đó khán giả thấy khó chịu với việc một nhãn hiệu kẹo cao su liên tục xuất hiện trên phim…
Đáng chú ý không kém là phim “mới ra lò” có tên “Lửa Phật” của đạo diễn Dustin Nguyễn cũng đã “điền tên” vào danh sách dự giải trong LHP lần thứ 18. Hiện bộ phim này đang được công chiếu rộng rãi tại các rạp phim lớn ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội...
“Lửa Phật” cũng đang đứng giữa “ngã 3 đường” khi có những ý kiến trái chiều từ giới truyền thông, khán giả. Nhiều người nhận định “Lửa Phật” hơi… khó hiểu vì phim này ở thể loại giả tưởng, bối cảnh hiện đại và cổ xưa đan xen nhau một cách khá mâu thuẫn.
Đặc biệt, “Lửa Phật” cấm trẻ em dưới 16 tuổi nhưng trong phim lại có cảnh một thiếu niên chưa đến 10 tuổi đi vào quán bar “sặc” mùi rượu, thuốc lá và gái gú ôm ấp, hở cả “vòng 1 và vòng 3”!
Với khẩu hiệu “Điện ảnh Việt Nam – Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập”, LHP Việt Nam lần thứ 18 hướng tới mục đích tôn vinh các tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo; vinh danh các nghệ sĩ điện ảnh có thành quả nổi bật từ sau LHP lần thứ 17 đến lần thứ 18.
Nhưng điểm qua số ít bộ phim kể trên, phim mang tính chất giải trí dạng “mì ăn liền” đang áp đảo các bộ phim “giàu tính nhân văn, đậm bản sắc dân tộc” như “Thiên mệnh anh hùng”. Nếu thể loại phim chiếu rạp kể trên được kỳ vọng là “bom tấn” nhưng sau đó trở thành “thảm họa” như “Nàng men chàng bóng” tiếp tục “lấn sân”, thì viễn cảnh LHP lần thứ 18 không có “Bông sen vàng” cho thể loại phim truyện nhựa như LHP lần thứ 17 dễ lặp lại?
Ngay như TS. Ngô Phương Lan cũng phải thừa nhận: phim chiếu rạp phong phú về đề tài nhưng đúng là chất lượng chưa cao!
Bài và ảnh Hoa Quỳnh