Mở rộng xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử
Ông nhận xét gì về tốc độ phát triển cũng như bức tranh toàn cảnh của TMĐT Việt Nam, và ông đánh giá thế nào về tiềm năng của các doanh nghiệp Việt khi tham gia “sân chơi” này?
Theo Báo cáo “Người bán hàng địa phương, khách tiêu dùng toàn cầu năm 2022: Nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua TMĐT tại Việt Nam", do Công ty tư vấn Access Partnership thực hiện, ước tính trong năm qua, giá trị xuất khẩu qua TMĐT của Việt Nam đạt khoảng 80 ngàn tỷ đồng. Cũng theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu thông qua TMĐT của Việt Nam có thể đạt đến gần 300 ngàn tỷ đồng vào năm 2027 nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT.
Điều này cho thấy tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua TMĐT cho doanh nghiệp Việt còn rất lớn. Vấn đề là cần có sự hỗ trợ toàn diện, kịp thời và hiệu quả từ nhiều bên liên quan như các cơ quan Chính phủ, nhà hoạch định chính sách, các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành, để thúc đẩy và trang bị kiến thức, thông tin, kỹ năng, công cụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, từ đó tăng cường xuất khẩu bán lẻ qua TMĐT như kỳ vọng.
Một báo cáo khác do Amazon thực hiện cũng cho biết, mặc dù 2022 là năm nhiều thách thức với những biến động trên toàn cầu, nhưng số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia Amazon vẫn tăng trưởng lên đến 80% và tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt thông qua Amazon cũng tăng 45%. Số lượng doanh nghiệp tham gia lẫn giá trị xuất khẩu từ Việt Nam trên Amazon đều tăng đáng kể, cho thấy sự phát triển TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam trong những năm vừa qua và tiềm năng vẫn còn phía trước. Chúng tôi tin rằng, các nhà sản xuất truyền thống, hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp với các chủ thương hiệu trẻ đều có thể xem đây là một động lực mới và nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng này.
Chính phủ Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế số. Vậy việc các doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu qua sàn TMĐT xuyên biên giới đang góp phần tích cực thực hiện mục tiêu này. Ông có nhận xét gì về điều này?
Áp dụng TMĐT vào kinh doanh và hoạt động xuất khẩu sẽ góp phần quan trọng cho việc phát triển nền kinh tế số quốc gia. Bởi, thông qua TMĐT doanh nghiệp tận dụng được hai lợi thế quan trọng: Thứ nhất là với việc số hoá, doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu số để nắm bắt nhanh chóng và kịp thời những xu hướng tiêu dùng hay thị hiếu của khách hàng quốc tế. Khác với nhu cầu và thị trường của người bản địa, khi mở rộng ra những thị trường như Mỹ, châu Âu, rất khó để các doanh nghiệp hiểu được nhu cầu hay tập tính của khách hàng. Các công cụ của Amazon giúp nhà bán hàng có thể tìm hiểu, phân tích và thống kê thông tin về nhu cầu sản phẩm, tính năng, phản hồi của khách hàng để cải tiến sản phẩm, dịch vụ, cách tiếp thị, từ đó tăng tính cạnh tranh trên môi trường kinh doanh số.
Thứ hai là khi toàn cầu hóa qua TMĐT, doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận và phát triển các thị trường mới nhanh hơn. Không chỉ là đưa sản phẩm “toàn cầu hoá” và doanh nghiệp còn có cơ hội “toàn cầu hóa” thương hiệu của mình đến với khách hàng mọi nơi trên thế giới. Chính vì vậy, cần khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi mô hình kinh doanh, cần xây dựng thương hiệu để nâng giá trị sản phẩm “made in Vietnam” trên các sân chơi TMĐT xuyên biên giới.
Để giá trị xuất khẩu qua TMĐT tại Việt Nam có thể đạt gần 300 ngàn tỷ đồng vào năm 2027, doanh nghiệp Việt cần làm gì, thưa ông?
Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa qua kênh TMĐT đạt kỳ vọng, các doanh nghiệp Việt cần nâng cao nhận thức và mức độ sẵn sàng chủ động tham gia hội nhập, nhất là các hoạt động đào tạo. Đồng thời, Chính phủ nên khuyến khích doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu toàn cầu cho hàng hóa “Made in Việt Nam” bằng cách cung cấp các giải pháp từ bảo vệ thương hiệu đến quảng bá và xây dựng thương hiệu, kết nối doanh nghiệp với các nhà cung cấp dịch vụ để giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược thương hiệu phù hợp, hiệu quả.
Nhất là trong bối cảnh hiện nay, rất cần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn về vận chuyển, hậu cần, đặc biệt là chi phí để phát triển quy mô toàn cầu, phát triển và thúc đẩy các chương trình logistics cho cả vận chuyển đường hàng không và đường biển. Tất cả nhằm tối ưu chi phí, giải quyết những vấn đề, trăn trở của doanh nghiệp khi xuất khẩu online.
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của chuyển đổi từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu online. Chúng tôi cho rằng sẽ cần thêm thời gian cùng với nỗ lực từ nhiều bên để hoàn thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác cơ hội và biến xuất khẩu online dần trở thành một mũi nhọn mới cho đất nước.
Xin cảm ơn ông!