Nâng trách nhiệm quản lý, sử dụng thẻ ngân hàng
Thẻ ngân hàng hướng đến người tiêu dùng trẻ | |
Hiện đại, đừng… hại điện |
Tăng cường minh bạch hoá việc sử dụng thẻ ngân hàng |
Một trong những nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung nhận được sự chú ý là cấm sử dụng thẻ để thanh toán ra nước ngoài cho các giao dịch kinh doanh, mua bán ngoại tệ, chứng khoán trên sàn thương mại điện tử nước ngoài; sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đồng thời, cấm thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để người khác thực hiện các hành vi giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ.
Nêu quan điểm về quy định này, một chuyên gia tài chính cho rằng, việc NHNN cấm những hoạt động nói trên là hợp lý, bởi đều là những hoạt động ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia. Tuy nhiên, theo vị này, với quy định như vậy NHNN quy trách nhiệm này cho các NHTM và buộc các NHTM phải kiểm tra các giao dịch đó không thuộc về một trong những dạng bị cấm. Trong khi đối với các ngân hàng, họ ít hoặc không có đầy đủ công cụ để có thể kiểm tra một cách hoàn hảo nhất.
Chia sẻ thêm, chuyên gia này ví dụ trường hợp một chủ thẻ sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán một món hàng nào đó, việc giao dịch món đồ đó có liên quan tới rửa tiền hay không, các ngân hàng rất khó kiểm tra. Trừ trường hợp ngân hàng nghi ngờ có những giao dịch đáng ngờ thì theo Luật phòng, chống rửa tiền phải có nhiệm vụ kiểm tra, còn nếu chỉ đơn thuần qua việc sử dụng thẻ ngân hàng để có thể tạo ra một mối nghi ngờ thì rất mơ hồ, nếu đó không phải là khách hàng có tiền sử rửa tiền trong quá khứ. Hay như việc một khách hàng có tiền sử rửa tiền, với những sự vụ trước có giao dịch mua hàng của một đối tượng A nào đó thì trong tương lai, những giao dịch liên quan tới đối tượng A đó ngân hàng phải có bộ lọc để theo dõi những giao dịch tương tự. Với việc kinh doanh ngoại tệ, hay thanh toán tại nước ngoài cũng tương tự như vậy, rất khó để xác định.
“Nói như vậy để thấy, làm cách nào để xác định được những giao dịch thuộc dạng cấm nói trên để xử lý mới là quan trọng, và cần phải được xem xét để đưa ra các biện pháp xác định, hay phòng, chống hiệu quả một cách chi tiết, cụ thể hơn”, chuyên gia nêu ý kiến.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng bổ sung các quy định để quản lý hoạt động thẻ ATM, thẻ tín dụng. Chẳng hạn, dự thảo quy định lại phạm vi sử dụng của thẻ tín dụng và thẻ trả trước vô danh. Thẻ tín dụng chỉ được sử dụng để thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ; nạp, rút tiền mặt theo thoả thuận giữa chủ thẻ với tổ chức phát hành thẻ. Ngoài ra, chủ thẻ tín dụng sẽ không được sử dụng hạn mức thẻ tín dụng chuyển khoản (hoặc ghi có) vào tài khoản thanh toán, thẻ trả trước (ngoại trừ trường hợp chuyển khoản (hoặc ghi có) vào tài khoản, thẻ trả trước của đơn vị chấp nhận thẻ với mục đích trả tiền hàng hoá, dịch vụ. Còn với thẻ trả trước vô danh chỉ được sử dụng để thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ hợp pháp tại thiết bị chấp nhận thẻ trên lãnh thổ Việt Nam và không được sử dụng để giao dịch trên internet, thiết bị di động. Đồng thời, chủ thẻ trả trước vô danh cũng không được rút tiền mặt tại ATM.
Để đảm bảo an toàn cho khách hàng sử dụng thẻ ATM, thẻ tín dụng, NHNN yêu cầu tổ chức phát hành thẻ phải đảm bảo hoạt động kinh doanh của đơn vị chấp nhận thẻ trước khi ký kết hợp đồng. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải đánh giá, phân loại rủi ro lần đầu và định kỳ với đơn vị chấp nhận thẻ phù hợp với đặc điểm ngành, nghề kinh doanh.
Việc quy định rõ hơn về phạm vi sử dụng thẻ tín dụng và thẻ trả trước vô danh cũng được chuyên gia đánh giá là cần thiết, nhất là trong thực tế việc thanh toán “khống” qua thẻ tín dụng diễn ra phổ biến, công khai hơn. Trên thực tế, với tính năng thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ, khi khách hàng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng thường mức phí sẽ khá cao, và lãi suất sẽ tính ngay tại thời điểm rút. Nhưng việc khách hàng tới siêu thị, hay cửa hàng yêu cầu đơn vị chấp nhận thẻ đó ứng tiền mặt, trong khi đơn vị chấp nhận thẻ thông qua POS gửi thông tin về ngân hàng dưới dạng giao dịch mua bán dẫn tới tình trạng chủ thẻ dựa vào đó để lách quy định.
Dự thảo Thông tư cũng bổ sung quy định về giới hạn dư nợ cấp tín dụng qua thẻ tín dụng cho một cá nhân; quy định về hạn mức phát hành thẻ tín dụng để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Hai điểm này tại Thông tư số 19 chưa được quy định.
Có thể thấy, việc NHNN liên tục có những điều chỉnh để chấn chỉnh hoạt động thẻ tín dụng và thẻ ATM đã cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc minh bạch hoá việc sử dụng thẻ, hạn chế tình trạng gian lận thẻ gia tăng trước sự bùng nổ của thẻ tín dụng và ATM hiện nay. Trước đó, vào tháng 8/2019, NHNN đã ban hành văn bản 6410/NHNN-TT gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, văn phòng đại diện các tổ chức thẻ quốc tế, NHNN chi nhánh tỉnh thành phố, yêu cầu tăng cường kiểm soát, giám sát hoạt động phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.