Nền tảng cơ bản trong phát triển kinh tế tuần hoàn của Đà Nẵng
Xử lý triệt để chất thải rắn
Với mục tiêu xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành Thành phố đáng sống, bảo vệ môi trường làm trọng điểm, duy trì đa dạng sinh học, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên, đảm bảo tỷ lệ sử dụng đất hợp lý, tận dụng tối đa ưu điểm, lợi thế của từng vùng, ưu tiên lựa chọn công nghệ giảm phát thải các bon nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hội nghị COP 26, TP. Đà Nẵng đã đặt ra nhiều mục tiêu về bảo vệ môi trường. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt trên 97%.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%, tỷ lệ chất thải nguy hại thu gom được xử lý theo quy định đạt 100%. Đây là nền tảng cơ bản trong quá trình phát triển mô hình KTTH của Đà Nẵng. Đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thiện Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn với các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tổng công suất từ 1.800-2.000tấn/ngày, đảm bảo xử lý toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh; đầu tư các nhà máy xử lý chất thải nguy hại, bùn thải, chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn công nghiệp...
Đà Nẵng đang hướng đến nền sản xuất không rác có thải |
Đến nay, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng làm tiền đề thuận lợi để phát triển KTTH. Nhiều chỉ tiêu về môi trường đã đạt được; có nhiều thực tiễn và sáng kiến tốt về áp dụng KTTH, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông, lâm và ngư nghiệp, công nghiệp cung cấp nước và xử lý nước thải, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống… Mô hình khu công nghiệp sinh thái được triển khai thí điểm đạt nhiều kết quả khả quan, là nền tảng tốt để nhân rộng trong tương lai.
Cùng đó, ý thức, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong bảo vệ môi trường ngày càng nâng cao; vai trò tiên phong của các tổ chức hội như phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên trong các phong trào bảo vệ môi trường. Dịch vụ thu gom phế liệu, vật liệu có giá trị đầu vào cho tái sử dụng, tái chế đã có từ rất sớm ở Đà Nẵng đã góp phần giải quyết phần nào yêu cầu của hoạt động tái chế. Nhiều hoạt động hỗ trợ cho sự phát triển của KTTH đã hình thành bước đầu, có thể trở thành nhân tố thúc đẩy sự phát triển trong tương lai.
Chính quyền TP. Đà Nẵng ưu tiên các nhà đầu tư lựa chọn công nghệ giảm phát thải các bon nhằm đảm bảo các mục tiêu về bảo vệ môi trường. |
Để có được những kết quả đó, chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý chất thải và chuyển từ chất thải thành tài nguyên. Thực hiện kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Đà Nẵng đã hoàn thành việc bố trí từ năm 2020, với hơn 250.000 túi phân loại rác tái chế dành cho hộ gia đình, 110 xe thu gom rác tái chế dành cho khu dân cư, 141 thùng phân loại chất thải rắn sinh hoạt nguy hại tập trung cho phường, xã, 731 thùng 2 ngăn phân loại trên các đường phố chính và 8 thùng 3 ngăn phân loại chất thải rắn tái chế tại các cơ quan. Các công tác trên bước đầu đã mang lại kết quả. Năm 2021, tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn 77,84% số hộ gia đình, 82,96% số tổ dân phố, 233/233 trường học (100%), 67,81% doanh nghiệp - 100% cơ sở y tế.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 lượng rác trung bình Đà Nẵng phải giải quyết 2.076 tấn/ngày. Để giải quyết bài toán xử lý rác thải theo yêu cầu của Chỉ thị số 41/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn, Đà Nẵng đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn, định hướng đến năm 2050. Đây là một trong những nỗ lực của Đà Nẵng nhằm bảo vệ môi trường và phát triển đô thị bền vững. |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, đến nay, hơn 93% số hộ gia đình và 91,83% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Trong đó, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng và tái chế đạt từ 15 - 20%. Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 2/4 trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt với công nghệ hiện đại. Những nỗ lực này đang góp phần quan trọng vào việc cải thiện tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn, đảm bảo mỹ quan đô thị và giảm thiểu ô nhiễm.
Cần có giải pháp để cải thiện những hạn chế
Đối với hoạt động tái chế chất thải rắn sinh hoạt, hiện một phần nhỏ rác tái chế được phân loại bởi các hộ gia đình và được thu gom bởi những người nhặt rác dạo hoặc những người nhặt rác trên bãi rác. Rác tái chế sau đó được bán cho các vựa ve chai, từ đó đến các nhà máy tái chế. Năm 2020, tổng lượng rác tái chế Đà Nẵng gom được thông qua các chương trình, dự án thí điểm khoảng 200 tấn, bằng với lượng rác vô cơ có thể tái chế lẫn trong tổng lượng rác một ngày của thành phố. Lượng rác có thể tái chế của 364 ngày còn lại hoặc được thu gom bởi khối phi chính thức hoặc bị lãng phí.
Lực lượng thu gom phế liệu tự do đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý chất thải |
Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn trong thời gian qua có nhiều chuyển biến, góp phần giải quyết cơ bản các vấn đề ô nhiễm môi trường, sức khỏe cộng đồng do chất thải rắn phát sinh. Tuy nhiên, hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải chưa đồng bộ nên khả năng tái sử dụng, tái chế, tuần hoàn chất thải chưa cao. Hiện Đà Nẵng đã có kế hoạch đầu tư 2 nhà máy xử lý rác với công nghệ hiện đại thay thế dần công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; nhà máy xử lý rác thải công suất 650 tấn/ngày đêm (theo giấy chứng nhận đầu tư đã cấp dự kiến đi vào hoạt động vào quý III/2026) và nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố 1.000 tấn/ngày đêm. Sau khi 2 nhà máy xử lý chất thải này đi vào hoạt động sẽ cơ bản xử lý toàn bộ lượng rác thải của Đà Nẵng. Cùng với việc đầu tư hạ tầng xử lý rác thải, TP. Đà Nẵng đang nhân rộng các mô hình giảm thiểu rác tại chỗ…
Song song với quy trình thu gom chất thải rắn sinh hoạt của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, lực lượng thu gom phế liệu tự do (chai bao/đồng nát/ve chai) đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý chất thải. Lực lượng này tham gia nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động thu gom. Tại Đà Nẵng, lực lượng thu gom phế liệu tự do đóng góp vào tổng tỷ lệ thu gom từ 6% đến 7,5% tổng lượng chất thải đưa đến bãi chôn lấp.
Đối với chất thải rắn công nghiệp, tại Đà Nẵng chất thải rắn công nghiệp được các doanh nghiệp phân loại thành chất thải có thể tái chế - tái sử dụng như: giấy catton, nhựa, kim loại... và chất thải không thể tái chế - tái sử dụng. Đối với các loại chất thải có thể tái chế - tái sử dụng, phần lớn doanh nghiệp hợp đồng riêng và bán cho các đơn vị thu mua tại chỗ. Đối với chất thải thông thường không thể tái chế - tái sử dụng như chứa hợp chất hữu cơ, rác lá cây... các doanh nghiệp hợp đồng với các đơn vị có chức năng để tiến hành thu gom và xử lý theo quy định.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn đến nay có hơn 37 mô hình gắn với tiêu dùng xanh được triển khai như doanh nghiệp xanh, thùng Thu gom pin thải, mái nhà xanh, Trồng chuối lấy lá, Điểm tập kết rác văn minh, tư quản về môi trường; Tổ thân thiện môi trường; Thôn không rác; Trường học không rác, Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông.… |
Hiện trung bình Đà Nẵng ước có khoảng 919 tấn chất thải rắn trong lĩnh vực xây dựng thải ra mỗi ngày; bằng 1/3 của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; gấp 2 lần TP. Hải Phòng. Các loại chất thải trong xây dựng gồm đất, cát, gạch, ngói, bê tông, đá, gỗ, sắt thép, nhựa, bao bì xi măng, sơn, bao bì nội thất… Loại chất thải này, ngoài một số phế liệu được thu gom bởi lực lượng ve chai, một số được tái sử dụng cho khâu san lấp mặt bằng, các phế thải còn lại được tập kết tại các bãi rác xây dựng tạm thời hoặc bị đổ trộm tại các lô đất trống... Đây là một trong những vấn đề cần quan tâm, có giải pháp xử lý.
Vậy nên, để tiến đến phát triển KTTH ở một số ngành, lĩnh vực hay xa hơn là thành phố tuần hoàn, Đà Nẵng cần có giải pháp để cải thiện những hạn chế, bất cập. Theo các chuyên gia, cần nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và các bên có liên quan về bảo vệ môi trường.
Hiện nay, hệ thống quản lý chất thải rắn của Đà Nẵng chưa hỗ trợ cho việc thực hiện tuần hoàn chất thải; hệ thống thu gom còn yếu, tỷ lệ tái chế thấp; chưa có các nhà máy tái chế... Do đó, cần cải thiện năng lực thu gom và tái chế chất thải rắn. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các chương trình R&D (quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ mới) và các chương trình đào tạo cho các dự án thực hiện liên quan đến mô hình tuần hoàn; các chương trình đào tạo liên quan KTTH ở tất cả các cấp học; nhân rộng các sáng kiến về tuần hoàn đã được triển khai hoặc thí điểm…