Ngân hàng vào mùa tăng vốn
Ngân hàng tiếp tục cuộc đua tăng vốn |
Sau VietinBank, Agribank, mới đây Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án bổ sung vốn Nhà nước thêm 7.657 tỷ đồng cho Vietcombank theo tờ trình của NHNN để duy trì tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại Vietcombank từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông nhà nước tại nhà băng này.
Không chỉ các NHTM Nhà nước, tăng vốn cũng được các ngân hàng trong khối cổ phần đặc biệt quan tâm. Theo đó trong tháng 9 vừa qua, NHNN đã chấp thuận phương án tăng vốn ở nhiều NHTM. Gần đây nhất, NHNN chấp thuận cho VPBank tăng vốn điều lệ tới 80%, lên hơn 45.000 tỷ đồng. Trước đó, vào 20/09/2021, cơ quan quản lý cũng chấp thuận cho SHB tăng vốn lên hơn 26.674 tỷ đồng. Trong đó, tăng thêm 2.022 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 10,5% từ nguồn lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ năm 2020; tăng thêm 5.392 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. MSB được thông qua tăng vốn thêm 3.525 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Kienlongbank và United Overseas Bank Việt Nam cũng được cho phép việc tăng vốn điều lệ… Đáng chú ý là TPBank, Hội đồng quản trị của ngân hàng này có nghị quyết lấy ý kiến cổ đông về việc tăng vốn điều lệ lần thứ hai trong năm nay, sau khi đã phát hành cổ phiếu với giá rất cao để tăng 1.000 tỷ đồng vốn theo kế hoạch…
Ảnh minh họa |
Không chỉ bây giờ mà làn sóng tăng vốn của các ngân hàng đã sôi động trong mấy năm gần đây. Chẳng hạn theo thống kê của Công ty chứng khoán VNDirect, năm 2020 có 12 ngân hàng được chấp thuận tăng thêm 160.000 tỷ đồng vốn điều lệ, song báo cáo tài chính cuối quý IV/2020 chỉ có khoảng 33.000 tỷ đồng vốn điều lệ được bổ sung trong năm 2020.
Giới chuyên gia dự báo, làn sóng tăng vốn của các nhà băng sẽ ngày càng sôi động hơn trong thời gian tới khi thời điểm phải áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN đang đến gần. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực từ năm 2020 cũng là yếu tố hỗ trợ giúp các ngân hàng tăng vốn nhờ phương án phát hành thêm cổ phiếu hay chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Nhiều tháng qua cũng có thể thấy rõ sự tích cực và chủ động huy động vốn của các ngân hàng qua việc dồn dập phát hành trái phiếu; cổ phiếu với số lượng lớn. Chỉ đơn cử như trong tháng 8/2021, đã có 2.324 tỷ đồng trái phiếu phát hành tăng vốn cấp 2 của BIDV, VietinBank, VIB, MB và VietCapital Bank. Lãi suất phát hành các trái phiếu này chủ yếu là lãi suất thả nổi tham chiếu bình quân lãi suất tiết kiệm bốn ngân hàng lớn, dao động từ 6,1 - 7,6%/năm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, tăng trưởng tín dụng của hệ thống khá tích cực trong hơn chục năm gần đây, nhưng vốn chủ sở hữu của các ngân hàng chỉ tăng từ 9 - 10%, bởi thế mà nhu cầu để gia tăng tiềm lực tài chính của các nhà băng là tất yếu. World Bank cũng nhận định, áp lực lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay là vẫn còn một số ngân hàng chưa đảm bảo an toàn vốn. Tỷ lệ an toàn vốn tổng thể của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% cuối năm 2019 xuống còn 11,13% vào tháng 12/2020, và mức 11,1% cuối tháng 6/2021. Các ngân hàng buộc phải tăng vốn để đáp ứng quy định của Basel II, khi hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II, và tương lai là Basel III sẽ được xét ngặt nghèo và chặt chẽ hơn rất nhiều.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, hệ thống ngân hàng đang rất nỗ lực bằng nhiều giải pháp để có thể hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Vốn chủ sở hữu gia tăng được cũng sẽ giúp nâng cao năng lực cung ứng tín dụng nhiều hơn cho nền kinh tế trong quá trình phục hồi. Vì chỉ khi đảm bảo được hệ số an toàn vốn theo quy định, các ngân hàng mới càng rộng cửa để room tín dụng được cấp thêm.
Mặt khác giới chuyên gia nhìn nhận, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và chúng ta chưa thể đưa ra một kịch bản đích xác nhất về sức ảnh hưởng cũng như thời gian tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế. Trong khi ngân hàng là ngành kinh tế tổng hợp nên chắc chắn cũng sẽ chịu tác động không nhỏ, dễ thấy nhất là áp lực nợ xấu đang có xu hướng gia tăng do năng lực trả nợ của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó còn là vấn đề thanh khoản khi mà hiện các ngân hàng đang tích cực cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng có nghĩa một lượng tiền lớn chưa thể quay trở lại ngân hàng. Trong bối cảnh đó, việc củng cố năng lực tài chính là vô cùng cần thiết để gia tăng sức chống chịu cho hệ thống ngân hàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, câu chuyện tăng vốn chưa bao giờ hết nóng tại các ngân hàng, vì đấy là nhu cầu thường trực, gia tăng theo sự phát triển của nền kinh tế và của hệ thống ngân hàng trên toàn cầu. Nhìn về đường dài, ngân hàng nếu hạn chế hoặc gặp khó khăn trong việc gia tăng vốn chủ sở hữu sẽ tác động rất mạnh tới thị phần, trong khi mục tiêu tại Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nêu rõ là có ít nhất 1-2 ngân hàng thương mại thuộc Top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản ở khu vực châu Á, và trong 5 năm tiếp theo thì sẽ nâng lên số lượng lên 2-3 ngân hàng. Có 3-5 nhà băng được niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài cũng là kỳ vọng được chiến lược đề cập tới.