Ngân hàng vượt khó cùng ngành gỗ
Khó khăn đeo bám ngành gỗ
Tại khu vực miền Trung, Bình Định được xem là “thủ phủ” của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), 6 tháng đầu năm 2024, các thành viên hiệp hội đã có nhiều nỗ lực trong nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong hiệp hội đạt khoảng 574,4 triệu USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 65% tổng giá trị xuất khẩu của địa phương…
Tuy đã có những kết quả khả quan trong xuất khẩu, song như nhiều nơi khác, khó khăn vẫn còn đeo bám các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định. Trong đó, nổi lên là khó khăn về thị trường tiêu thụ, khi thời gian gần đây tại các thị trường lớn, truyền thống như Mỹ hay EU đều đang có yêu cầu về hồ sơ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu gỗ xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt.
Cụ thể, tại thị trường Mỹ đã và đang sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến các quy định trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, bao gồm cả những cách xác định một số trợ cấp mới như bảo hiểm xuất khẩu, xóa nợ, thuế trực tiếp... Trong khi đó, tại thị trường EU, quy chế chống mất rừng của EU sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2024. Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraina, Israel - Hamas… cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến chi phí logistic, giá gỗ nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào đều tăng.
Bên cạnh những khó khăn khách quan, các doanh nghiệp trong ngành gỗ ở Bình Định cũng đang gặp khó trong việc thực hiện các quy định về phòng chống cháy; việc xin cấp giấy phép liên quan bảo vệ môi trường cũng gặp nhiều trở ngại; công tác đào tạo công nhân cho ngành gỗ… Đặc biệt, Bình Định vẫn còn lệ thuộc nguyên liệu từ nguồn gỗ ngoại nhập đến gần 80%. Đây là một trong những “bất lợi” của doanh nghiệp ngành gỗ ở địa phương. Bởi, chi phí mua gỗ nguyên liệu nhập khẩu cao, bị động, tiềm ẩn nhiều rủi ro làm ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn. |
Trước những khó khăn trên, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đã kiến nghị UBND tỉnh, đề nghị các sở, ban ngành tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bằng việc cắt giảm số cuộc và tần suất thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về lao động, công đoàn, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, việc hoàn thuế VAT; đồng thời, có chính sách nhất quán trong giá thuê đất giúp doanh nghiệp an tâm, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài...
Được biết, nhằm chủ động về nguồn nguyên liệu, hiện Bình Định đang tập trung phát triển rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) và chứng chỉ carbon. Định hướng đến năm 2030, diện tích rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn tập trung đạt hơn 50.000 ha. Chính quyền địa phương đang mong các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác với tỉnh trong việc phát triển rừng gỗ lớn để dần chủ động về nguyên liệu. Bên cạnh đó, Bình Định cũng sẽ tập trung tháo gỡ cơ chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngành gỗ tham gia phát triển rừng gỗ lớn…
Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp
Tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, thời gian qua ngành Ngân hàng trên địa bàn Bình Định đã tăng cường vào cuộc, gỡ khó cho các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ - một trong những thế mạnh ở địa phương.
Chia sẻ với thoibaonganhang.vn, ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Định cho biết, thời gian qua chi nhánh chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tập trung các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của Bình Định, trong đó có ngành gỗ. Đơn vị cùng các sở, ngành làm việc với các TCTD và hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu gỗ trên địa bàn, để nắm bắt thông tin, cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh trong hoạt động cho vay và vay vốn.
Tại các cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ, các TCTD trên địa bàn đã thông tin và giải đáp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến quy trình, thủ tục vay vốn và việc giải quyết vốn vay, nhất là đối với các gói tín dụng hỗ trợ của Chính phủ. Bên cạnh đó, chi nhánh NHTM trên địa bàn còn chủ động nắm bắt nhu cầu về vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp; chủ động tiếp cận khách hàng trong ngành gỗ có phương án sản xuất kinh doanh khả thi... để tiếp vốn. Ông Hoàng Thanh Vĩnh, Giám đốc MB Bình Định cho biết, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cũng như tăng cường kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, MB Bình Định đã bám sát cho vay vào các thế mạnh ở địa phương trong đó có ngành chế biến và xuất khẩu gỗ. Từ đó, đơn vị đã thông tin nhiều hơn về các gói tín dụng, giảm bớt lãi suất và các điều kiện vay, nhằm tăng thêm cơ hội cho doanh nghiệp được tiếp cận và vay vốn.
Ngành Ngân hàng trên địa bàn Bình Định đã và đang nỗ lực cùng đồng hành với doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ ở địa phương. |
Thực hiện ”gói” tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đến nay trên trên địa bàn tỉnh Bình Định có 16 chi nhánh TCTD tham gia chương trình. Hội sở chính của các NHTM đều đã ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định của chương trình 15.000 tỷ đồng để triển khai trong toàn hệ thống. Đến 30/4/2024, tổng số khách hàng được vay vốn là 27 khách hàng, doanh số cho vay đạt 2.641 tỷ đồng, dư nợ vay đạt 733 tỷ đồng...
Ông Phan Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước (KCN Phú Tài) cho biết, được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước hồi phục và ổn định sản xuất kinh doanh, đặc biệt sau khủng hoảng do “bão dịch” gây ra. Từ đó, nỗ lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trả nợ đúng hạn…
Trước đó, NHNN chi nhánh Bình Định cũng đã yêu cầu các chi nhánh NHTM trên địa bàn tích cực triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Về phần mình, các TCTD Trên địa bàn đã tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đến các khách hàng. Đồng thời, chủ động phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã… để rà soát, nắm danh sách và tiếp cận các doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm sản, thủy sản nhằm nắm bắt nhu cầu vốn và cho vay theo chương trình đối với các khách hàng thuộc đối tượng…
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, địa phương luôn xác định các hiệp hội, doanh nghiệp gỗ đem lại thế mạnh phát triển kinh tế của tỉnh và cam kết luôn đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp. Gần đây, trước những tín hiệu “ấm” trở lại của thị trường, doanh nghiệp trong ngành gỗ cần nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường, nắm bắt tốt các thông tin từ các thị trường, đồng thời phát huy các phân khúc sản phẩm đang có thế mạnh tại các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng doanh thu.
Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu và phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ cao, nhằm tận dụng tối đa tất cả các nguyên liệu hiện có, hạn chế tối đa xuất khẩu thô, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản xuất, tạo nguồn thu ngân sách...