Những ký họa bị lãng quên
Năm 1932, tác phẩm Bức thư (tranh lụa) của họa sĩ Tô Ngọc Vân được tặng bằng danh dự của Hội Các họa sĩ Pháp và được thưởng huy chương vàng ở Triển lãm thuộc địa tại Paris. Năm 1935, ông được bổ nhiệm đi dạy vẽ tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia). Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Tô Ngọc Vân là một trong những họa sĩ tiêu biểu của giai đoạn khởi đầu nền nghệ thuật tạo hình hiện thực xã hội. Trong đó, phần lớn các tác phẩm của ông đều thể hiện bằng chất liệu sơn dầu.
Tập sách về họa sĩ Tô Ngọc Vân do nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng biên soạn
Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, trước Cách mạng tháng Tám, đề tài sáng tác chủ yếu của Tô Ngọc Vân là hình ảnh người phụ nữ thành thị. Bức tranh của ông được mọi người biết đến nhiều nhất là bức sơn dầu Thiếu nữ bên hoa huệ (1943). Màu sắc chủ đạo của bức tranh là màu trắng của áo dài và những bông hoa huệ.
Người phụ nữ trong tranh của ông luôn được thể hiện với lòng trân trọng chứ không sa vào khoái cảm nhục thể nhưng cũng không quá mơ hồ, ẻo lả hoặc kiêu kỳ như tranh vẽ của các họa sĩ cùng thời. Hoặc những bức tranh nổi tiếng khác của ông thời đó như: Hai thiếu nữ và em bé (1944), Thiếu nữ với hoa sen (1944)...
Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã thức tỉnh và lay động tâm hồn người nghệ sĩ, Tô Ngọc Vân bắt đầu một giai đoạn mới trong sự nghiệp sáng tác của mình, mở đầu là bức tranh thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ phủ (1946). Ông còn được giao trọng trách mở lớp vẽ để đào tạo ra nhiều cán bộ làm công tác mỹ thuật phục vụ cho công cuộc kháng chiến.
Ông từng là Trưởng đoàn Văn hóa kháng chiến Việt Bắc, Giám đốc Xưởng họa kháng chiến và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam… Trong giai đoạn này, ông vẽ nhiều về người nông dân và chiến sĩ. Tô Ngọc Vân đã phát hiện được trong cái mộc mạc, giản dị của họ biết bao vẻ đẹp thiêng liêng và cao quý.
Từ bức sơn mài Nghỉ chân bên đồi (1948), Hai chiến sĩ (1949) - màu nước, đến nhiều ký họa và phác thảo hoàn chỉnh được vẽ vào năm 1954 của ông như Đi học đêm, Con trâu quả thực, Lên đèo, Hành quân qua suối, Đèo Lũng Lô... với tình cảm cách mạng, ông đã xây dựng thành công hình tượng con người mới trong thời kỳ kháng Pháp.
Tô Ngọc Vân hy sinh tại chân đèo Lũng Lô trong lúc sự nghiệp sáng tác của ông đang rực rỡ, khi cuộc kháng chiến gian lao và ác liệt sắp đến ngày kết thúc. Các tác phẩm ông vẽ trong chiến dịch Điện Biên Phủ được trao giải nhất tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc tháng 11/1954 ở Thủ đô Hà Nội. Nhiều tác phẩm của Tô Ngọc Vân được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trong các bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, đa phần các phác thảo và ký họa của ông vẫn chưa được công bố và ít người biết đến. Phần lớn sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân, bao gồm 380 ký họa chì, bút sắt và thuốc nước đang thuộc quyền sở hữu của ông Tira Vanictheeranont, một nhà sưu tập người Thái Lan. Tuy nhiên, điều an ủi, nhà sưu tập này đã thể hiện xứng đáng với tài sản có được trong tay.
Ngoài vài lần đã trở lại Việt Nam giới thiệu bộ sưu tập ấy với công chúng, ông Tira còn nhờ nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng hợp tác, biên soạn, hệ thống thành một tập sách mang tên Tô Ngọc Vân - Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954 (NXB Tri Thức ấn hành và ra mắt hồi đầu năm 2014).
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Ông vô cùng ngạc nhiên về mức độ nghệ thuật và những vấn đề xã hội trong những gì Tô Ngọc Vân để lại, nó thực sự là bức tranh toàn cảnh về đời sống của người Việt Nam, ít nhất từ năm 1937 đến năm 1954, tức là khi họa sĩ bắt đầu trở thành một nghệ sĩ thực thụ cho đến khi ông hy sinh trên đường lên Điện Biên Phủ năm 1954. Bên cạnh những bức ký họa, Tô Ngọc Vân còn để lại thư từ, nhật ký…
Đa phần, trong bộ sưu tập này, Tô Ngọc Vân không ký họa thành một bức tranh hoàn chỉnh như kiểu các họa sĩ kháng chiến hay làm, mà ông chỉ nghiên cứu, ký họa chi tiết, hình hài nào đó để xây dựng tác phẩm, rồi tìm các cấu trúc tác phẩm riêng, thường là nhỏ bé như bao diêm và vẽ dày đặc trên một tờ giấy.
Trong cuốn sách, còn in kèm hai bức thư Tô Ngọc Vân gửi hai danh họa Picasso và Matisse (ông gọi họ là “họa sư”), viết năm 1951. Trong thư, họa sĩ Việt Nam gửi lời đề nghị hai họa sư quốc tế góp ý để nền hội họa Việt Nam tiếp cận tinh hoa thế giới.
Ông Phan Cẩm Thượng nói thêm: Khi làm xong cuốn sách này, tôi không thấy vui vẻ gì, trái lại thấy rất buồn. Một họa sĩ được coi là hàng đầu của đất nước mà hầu như toàn bộ sự nghiệp lại được một người nước ngoài sưu tập và bỏ tiền xuất bản sách.
Việc bộ ký họa đó của Tô Ngọc Vân ra nước ngoài là điều đáng tiếc với văn hóa Việt Nam - một kho tàng giàu có đang trở nên trống rỗng. Phải chăng đời sống văn hóa đang xuống cấp hiện nay vì cái kho trống rỗng này… Văn hóa chưa thật sự có được quan tâm theo chiều sâu và tâm hồn. Tôi không chắc Bộ Văn hóa, Hội Mỹ thuật, trường mỹ thuật biết có cuốn sách này?
Bài và ảnh Trần Trung Sáng