Quản lý tài sản ra sao khi các kênh đầu tư biến động?
Lý giải về những yếu tố nào góp phần tạo ra sự dao động mạnh mẽ đối với các kênh đầu tư thời gian qua, ông Lu Hui Hung cho rằng, sự biến động của các kênh đầu tư vừa qua về cơ bản xuất phát từ lý do là sự gia tăng của việc “không chắc chắn”. Khi thị trường không có xu hướng rõ ràng, mọi người sẽ lo lắng cao hơn mức bình thường và trở nên nhạy cảm với tin tức và dữ liệu kinh tế.
Sự bùng nổ AI hiện tại là ví dụ. Khi nhà đầu tư trên thị trường đều tin rằng AI là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và NVIDIA xứng đáng có mức P/E rất cao thì xu hướng đi lên rất rõ ràng và không có biến động lớn.
Thế nhưng, một ví dụ điển hình khác là giá vàng ở Việt Nam. Khi lạm phát đẩy giá vàng thế giới tăng cao, giá vàng Việt Nam tiếp tục có xu hướng tăng rõ rệt. Còn hiện tại khi xu hướng này không còn chắc chắn. Giá vàng đã giảm mạnh và được dự báo sẽ có những lúc tăng hoặc giảm mạnh trong nửa cuối năm 2024.
Hiện, đối với các kênh đầu tư tại Việt Nam, ngay cả khi điều kiện kinh tế vĩ mô và lợi nhuận của doanh nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi liên tục, nhưng vẫn có những biến động mạnh mẽ. Nhiều yếu tố không mấy tích cực như tỷ giá tiền tệ, lạm phát, rủi ro địa chính trị trên toàn thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Vì vậy, khi sự không chắc chắn về xu hướng các kênh đầu tư trong tương lai tăng lên. Do vậy, các kênh đầu tư sẽ lên xuống cùng với sự thay đổi liên tục của khẩu vị rủi ro, khiến các nhà đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro hơn.
Tuy nhiên, biến động là điều bình thường dù ở thị trường tài chính phát triển hay đang phát triển. Sự thay đổi giá tài sản ở các kênh đầu tư khác nhau bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau từ triển vọng về kinh tế và kinh doanh, sự thay đổi chính sách của chính phủ, hành vi của nhà đầu tư cho đến tâm lý chung của thị trường.
Trong bối cảnh đó, để quản lý tài chính cá nhân và tăng hiệu quả khi đầu tư vào các loại tài sản nhiều rủi ro và biến động, ông Lu Hui Hung khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân một là đa dạng hóa danh mục và hai là tránh sử dụng đòn bẩy.
Theo ông, nguyên tắc trong đầu tư là không nên bỏ hết trứng vào một giỏ. Đa dạng hóa là phân bổ tiền của bạn vào các mục tiêu đầu tư khác nhau để giảm thiểu tác động bắt nguồn từ việc chỉ mua một tài sản nắm giữ cụ thể. Một kênh đầu tư biến động như thị trường chứng khoán hiện tại có thể mang lại lợi nhuận tiềm năng cao hơn nhưng nếu đầu tư quá tập trung, nhà đầu tư có thể bị bỏ lại phía sau khi thị trường chứng khoán lên cao hoặc chịu thiệt hại nhiều hơn khi thị trường đi xuống.
Cách hiệu quả thứ hai để quản lý tác động từ sự biến động của tài sản đầu tư là không hoặc hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính. Việc tránh đòn bẩy sẽ giúp các nhà đầu tư không đánh giá sai khả năng chịu đựng rủi ro và giúp họ đạt được mục tiêu đầu tư thực tế bằng lợi nhuận tích lũy. Đòn bẩy cao sẽ buộc một kế hoạch đầu tư tốt bị phân tâm bởi sự biến động cao do đòn bẩy tăng. Khi bạn nhân đôi số tiền đầu tư vào một kênh đầu tư biến động, rủi ro và khoản lỗ tiềm ẩn của bạn cũng tăng gấp đôi. Đòn bẩy cũng khiến chi phí đầu tư của bạn tăng lên đáng kể do chi phí lãi vay phải trả.
“Là một công ty quản lý tài sản chuyên nghiệp, chúng tôi hiểu rằng việc đầu tư vào các tài sản rủi ro và dễ biến động đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về việc nắm bắt được xu hướng và quản lý rủi ro tiềm ẩn. Việc phân bổ tài sản hợp lý sẽ cải thiện đáng kể khả năng quản lý tài chính cá nhân. Đối với nhà đầu tư cá nhân thì việc thành thạo những kỹ năng này cần có thời gian. Vì vậy, tôi đặc biệt khuyến khích các nhà đầu tư nên kết hợp hoạt động đầu tư của mình với dịch vụ tư vấn từ các công ty quản lý quỹ uy tín như Quỹ Phú Hưng chẳng hạn. Bằng cách sử dụng quỹ tương hỗ, nhà đầu tư có thể giảm bớt gánh nặng trong việc xác định xu hướng và quản lý rủi ro”, ông Hung khuyến nghị.