VN-Index có thoát khỏi giai đoạn tích lũy ở tuần cuối cùng của năm 2024?
Chiến lược đầu tư tuần tới ra sao |
VN-Index có thể tăng lên vùng quanh 1.270 điểm
Dự báo thị trường tuần tới, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích của CTCK VNDirect cho biết, mặc dù chỉ số VN-Index chỉ ghi nhận mức sụt giảm nhẹ 0,4% trong tuần giao dịch vừa qua, nhưng áp lực trong thực tế mà giới đầu tư chứng khoán phải trải qua lớn hơn nhiều so với con số khiêm tốn đó.
Việc Fed đưa ra lộ trình giảm lãi suất “thận trọng hơn” trong năm tới đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, đẩy chỉ số đo lường mức độ sợ hãi (VIX) tăng vọt trong phiên ngày 18/12 lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 11. Thị trường chứng khoán Mỹ do đó điều chỉnh mạnh và việc dòng tiền tìm nơi trú ẩn khiến chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) tăng vượt mốc 108. Những yếu tố này đã gây sức ép lên tỷ giá trong nước, khiến tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vượt mốc “can thiệp” và buộc Ngân hàng Nhà nước phải bán ra USD để bình ổn tỷ giá.
Diễn biến này khiến tâm lý của giới đầu tư chứng khoán trong nước chịu nhiều áp lực và chỉ số VN-Index lùi về sát vùng hỗ trợ 1.250 điểm. Tuy nhiên, có thể nhận thấy điểm tích cực là áp lực bán “không quá mạnh” và việc dòng tiền bắt đáy nhập cuộc đã giúp VN-Index giữ vững vùng hỗ trợ trên.
Bước sang tuần giao dịch tới, thị trường tài chính quốc tế có thể diễn biến tích cực hơn khi những thông tin tiêu cực đã được phản ánh phần lớn vào giá, đặc biệt là việc Fed thận trọng hơn về lộ trình cắt giảm lãi suất trong năm 2025 do những bất định trong chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Trump.
Đáng chú ý, thị trường cũng đón nhận một vài thông tin tích cực hơn trong ngày cuối tuần, bao gồm việc thước đo lạm phát ưa chuộng của Fed là chỉ số PCE (chi tiêu tiêu dùng cá nhân) chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ, đều thấp hơn 0,1 điểm % so với dự báo, cho thấy xu hướng lạm phát vẫn đang hạ nhiệt.
Đồng thời, việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách mới nhằm ngăn Chính phủ Mỹ đóng cửa vào phút cuối cũng giúp giảm thiểu rủi ro bất ổn, kéo chỉ số VIX giảm mạnh trong phiên cuối tuần.
Việc thị trường tài chính toàn cầu bình ổn hơn sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư trong nước và thúc đẩy các chỉ số chứng khoán phục hồi. Chỉ số VN-Index có thể tăng lên vùng quanh 1.270 điểm. Nhà đầu tư nên tận dùng nhịp phục hồi để tái cơ cấu danh mục đầu tư, hạ bớt tỷ trọng đòn bẩy nếu đang ở mức cao, đồng thời xây dựng danh mục đầu tư xoay quanh các nhóm ngành có thông tin hỗ trợ và triển vọng kinh doanh cải thiện, bao gồm nhóm vận tải biển, logistic, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản) và ngân hàng.
Giao dịch trong sắc đỏ cùng thanh khoản giảm sút
Dưới góc nhìn của mình, ông Phan Tấn Nhật, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, VN-Index như vậy đã có 02 tuần liên tiếp chịu áp lực điều chỉnh sau khi phục hồi từ vùng giá 1.200 điểm. Trong tuần vừa qua VN-Index có 03 phiên đầu tích lũy, sau đó chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản khá đột biến và phục hồi trong phiên cuối tuần. Kết tuần VN-Index giảm -0,40% về mức 1.257,50 điểm, giao dịch dưới đường giá trung bình 200 phiên quanh 1.260 điểm. Thanh khoản trong tuần giảm với khối lượng giao dịch giảm -9,05% trên HoSE.
Độ rộng thị trường nghiêng về điều chỉnh, phân hóa mạnh, đa số đều chịu áp lực điều chỉnh (trừ nhóm viễn thông tăng điểm tốt, các mã vận tải dầu khí, vận tải biển, cảng...). Song vẫn có nhiều mã tích cực, vượt vùng giá đỉnh cũ cho thấy thị trường phân hóa tích cực. Khối ngoại vẫn bán ròng trên HoSE với giá trị 1.324,9 tỷ đồng trong tuần này, ảnh hưởng tâm lý kém tích cực đến thị trường chung.
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2501 giảm 13,80 điểm (-1,03%), đóng cửa tại 1.321,20 điểm. Chênh lệch +3,43 điểm so với VN30, các kỳ hạn xa hơn là VN30F2502 VN30F2503 VN30F2506 chênh lệch từ +6,23 điểm đến +12,03 điểm so với VN30. Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch -15,92% so với tuần trước, và thấp hơn mức trung bình 20 phiên. Xu hướng ngắn hạn của VN30F2501 dự kiến dao động trong biên độ 1.300 - 1.330 điểm. Khối lượng mở OI tuần này là 28.260 thấp hơn rất nhiều so với tuần gần nhất là 53.291, hiện tượng thường diễn ra tại tuần giao dịch đáo hạn.
Xu hướng ngắn hạn VN-Index dưới áp lực của VN30 đã suy yếu hơn khi giao dịch dưới giá trung bình 200 phiên, nhưng vẫn trên vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm. VN-Index đang chịu áp lực tâm lý từ thị trường thế giới, áp lực tỉ giá cũng như áp lực giảm dư nợ vay ký quỹ khi thị trường đang vào giai đoạn cuối năm. Xu hướng trung hạn VN-Index duy trì trong kênh tích lũy rộng tính từ đầu năm đến nay trong vùng 1.200 điểm đến 1.300 điểm, với vùng giá cân bằng quanh 1.250 điểm.
Hiện tại vốn hóa toàn thị trường khoảng 295 tỉ USD. Chúng tôi cho rằng đây là vùng vốn hóa hợp lý của thị trường, tương đối hấp dẫn so với qui mô nền kinh tế, với tăng trưởng GDP năm 2025 kế hoạch tăng 7%. Chất lượng nội tại thị trường vẫn cải thiện sau thời gian tích lũy kéo dài từ đầu năm 2024 đến nay. Nhiều mã, nhóm mã đang ở vùng giá hợp lý, mở ra nhiều cơ hội tốt. Ngắn hạn, VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh, tích lũy quanh vùng 1.260 điểm. Thị trường cũng đang vào giai đoạn chốt NAV năm 2024 của các nhà đầu tư. Đây là giai đoạn tích lũy phù hợp, trước khi chờ các động lực tăng trưởng mới như kỳ vọng vào tăng trưởng kết quả kinh doanh quí IV/2024 và triển vọng năm 2025.
Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý. Xem xét chọn lọc giải ngân các mã cơ bản tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt.
1.250 điểm là vùng hỗ trợ uy tín trong ngắn hạn
Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, tuần qua, VN-Index ghi nhận diễn biến rung lắc với biên độ khoảng 20 điểm (1.249- 1.267 điểm).
Cụ thể, trong ba phiên đầu tuần, chỉ số chung tiếp tục vận động đi ngang tích lũy từ tuần trước và không có điểm nhấn đáng chú ý; tuy nhiên vào phiên thứ 5 (19/12), VN-Index ghi nhận rung lắc giảm điểm mạnh do ảnh hưởng từ tin tức vĩ mô và thị trường chứng khoán Mỹ. Điều tích cực là sau khi chịu áp lực điều chỉnh mạnh bất ngờ, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện giúp thị trường phần nào cân bằng tại hỗ trợ 1.250 điểm.
Ở phiên cuối tuần (20/12), lực cầu bắt đáy có tín hiệu tham gia giải ngân trong phiên giúp VN-Index cân bằng và vận động trong biên độ nhỏ. Dòng tiền thể hiện sự lan tỏa ổn định từ một số cổ phiếu blue-chip cho tới các nhóm ngành/cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ như VOS tăng trần, VNM tăng 1,72%, VTP tăng 1,57%, CSV tăng 4,65%. Khối ngoại bán ròng nhẹ trong phiên và đảo chiều mua ròng cuối phiên với tổng giá trị ròng đạt 7,99 tỷ, tập trung mua VNM, VIX, FPT. Kết tuần, VN-Index giảm 5,07 điểm (-0,40%) so với tuần trước.
Phân tích kĩ thuật, ông Hoàng cho biết, VN-Index kết phiên cuối tuần với nến xanh tăng điểm nhẹ nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng ổn định cùng sự lan tỏa phía dòng tiền. Ở khung đồ thị ngày, VN-Index vận động bám sát đường MA20 và dải Bollinger band có tín hiệu bo hẹp cho thấy thị trường đang trong giai đoạn cân bằng tích lũy động lực. Đường -DI neo trên mốc 25, nhưng đường ADX ở dưới mốc này giúp giảm thiểu rủi ro điều chỉnh biên độ lớn. Bên cạnh đó, chỉ báo CMF hướng lên trên mốc 0 thêm phần củng cố cho nhịp tích lũy và kỳ vọng thị trường sẽ sớm phục hồi trở lại.
Ở khung đồ thị giờ, chỉ báo RSI và MACD neo ở vùng thấp và có tín hiệu tạo đáy cho thấy nhịp hồi phục đang được củng cố quanh mốc hỗ trợ 1.258 điểm. Nếu dòng tiền và thanh khoản thể hiện được sự đồng thuận trong các phiên tiếp theo thì chỉ số chung sẽ sớm quay lại bám sát MA20 với động lực ổn định để tiến lên vùng 1.270-1.280 điểm.
Về chiến lược giao dịch, ông Hoàng cho biết, hiện tại thị trường đang trong nhịp tích lũy đi ngang với sự gia tăng ở lực cầu bắt đáy cho thấy 1.250 điểm là vùng hỗ trợ uy tín trong ngắn hạn.
“Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân từng phần ở cổ phiếu kiểm chứng hỗ trợ thành công, hoặc đang ở nền tích lũy 1-2 tháng với dòng tiền tham gia ổn định và dần có tín hiệu bật tăng thuộc một số nhóm ngành như thủy sản, bất động sản, ngân hàng”, ông Hoàng cho hay.