Số hóa trong tài chính tiêu dùng tăng mạnh
Chính quyền và doanh nghiệp trong xu thế số hóa | |
Số hóa để sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng |
Công nghệ không thể thiếu trong sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng |
Cầu vay tiêu dùng tăng mạnh nhờ số hóa
Dịch vụ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang có xu hướng phát triển mạnh do nhu cầu chi tiêu của người dân ngày càng cao và những tiện ích của dịch vụ này mang lại. Với hơn 90 triệu dân, trong đó phần lớn là dân số trẻ, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc NHNN TP.HCM cho biết, khi phát triển tài chính, tiêu dùng lành mạnh, hiệu quả sẽ ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen. Trong 3 năm vừa qua, tổng số dư nợ cho vay tài chính tiêu dùng của các ngân hàng và công ty tài chính trên địa bàn đạt 450.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,2% trong tổng dư nợ trên địa bàn. Bình quân 3 năm từ 2016 – 2018, tín dụng tiêu dùng có mức tăng trưởng đến 36%/năm.
Việc phát triển tín dụng tiêu dùng đã tác động tích cực lên việc ngăn chặn tín dụng đen. Tuy nhiên, nợ xấu trong cho vay tiêu dùng đến hết tháng 10/2019 đạt 10.289 tỷ đồng, chiếm 2,28% trong tổng dư nợ tiêu dùng. Để hạn chế rủi ro trong cho vay tiêu dùng, mới đây NHNN đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Trong đó NHNN đưa ra lộ trình cụ thể để giảm dần tỷ lệ giải ngân trực tiếp về còn 30% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng kể từ đầu năm 2024.
Theo các chuyên gia, quy định này sẽ giúp hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính lành mạnh hơn trong thời gian tới. Bởi việc cho vay dưới hình thức giải ngân trực tiếp cho khách hàng có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay. Bên cạnh đó, Thông tư 18 cũng điều chỉnh hành vi đòi nợ kiểu “phản cảm” của công ty tài chính.
Với những điều chỉnh này, dự báo cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới bởi số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân Việt Nam tiếp cận dịch vụ tài chính còn thấp (mới khoảng 30%). Giới phân tích tài chính cho rằng, cách nhanh nhất để hỗ trợ họ là dùng công nghệ. Do vậy, cuộc chiến số hóa trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng để chiếm lĩnh thị phần đang nóng từng ngày. Đáng chú ý là khi thị trường có thêm nhiều công ty tài chính.
Ông Kalidas Chose – Tổng giám đốc FE Credit cho biết, khoảng hai năm trước, công ty bắt đầu hành trình xây dựng nền tảng ngân hàng mở thích ứng cho khách hàng Việt Nam. Trong quá trình xây dựng nền tảng này, công ty đã tích hợp các công nghệ hàng đầu, ví dụ như trí thông minh nhân tạo, công nghệ nhận dạng ký tự quang học, chuyển lời nói thành văn bản, văn bản thành lời nói… qua đó thực thi tốt eKYC để hiểu hơn về khách hàng trên quan điểm rủi ro bằng cách triển khai các phân tích về dữ liệu mà chúng tôi thu thập được trên các nền tảng công nghệ khác nhau. Điều này giúp Công ty tạo ra một quy trình cho vay thân thiện với khách hàng theo định hướng phù hợp với thị trường Việt Nam.
Công ty tài chính làm chủ công nghệ
Cũng theo ông Kalidas, các công ty tài chính cần “làm chủ công nghệ” và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số mới có thể gia tăng được hiệu quả. Ở FE Credit, ban lãnh đạo công ty cũng rất chú trọng điều này để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Như FE Credit đã ra mắt ứng dụng $NAP. Nếu như trước đây quy trình cho vay mất 4-5 ngày thì thông qua ứng dụng này thời gian chỉ còn 15 phút và quy trình duyệt vay không có sự tham gia của con người. Với hơn 50% thị phần, FE Credit hiện là công ty tài chính tiêu dùng áp dụng nhiều giải pháp “số” để nâng cao trải nghiệm người dùng.
Đồng quan điểm, ông Hồ Minh Tâm - Tổng giám đốc VietCredit cho rằng, tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam tại thời đểm hội tụ của Internet tốc độ cao, điện toán đám mây, dữ liệu lớn nên VietCredit phải được xây dựng trên kiến trúc công nghệ 4.0 mới tạo lợi thế cạnh tranh chính là khả năng cung cấp các sản phẩm tài chính tiêu dùng tiện lợi, với một chi phí phù hợp trong khả năng chi trả của khách hàng.
VietCredit tin rằng, đầu tư vào công nghệ chính là lời giản bài toán tối ưu hóa mô hình vận hành cũng như quản trị rủi ro của công ty. Trong những năm qua VietCredit đã triển khai một hệ thống đồng bộ bằng sự tương tác với các công ty công nghệ tài chính hàng đầu như: SAS (Mỹ); Nucleus (Ấn Độ); BPC (Thụy Sĩ). Đồng thời, tham gia thị trường trong bối cảnh đã có nhiều CTTC khai thác, VietCredit chỉ chú trọng đến mảng cho vay tiền mặt.
Thông qua Thẻ vay VietCredit, khách hàng có thể vay - trả trong hạn mức suốt 36 tháng. Còn theo đại diện Home Credit Việt Nam, tốc độ phát triển kinh tế đang gắn với nhu cầu phát triển của người tiêu dùng. Thu nhập ngày càng gia tăng khiến người tiêu dùng sẽ chi tiêu, mua sắm nhiều hơn, đó là tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng.
Để có thể đạt được thành công Home Credit Việt Nam cũng cần có sự chuyển đổi để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Công ty đang có bước chuyển mình từ nội tại, tập trung vào công nghệ và sáng tạo để khách hàng có những trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ. Home Credit quyết định hợp tác nhiều hơn với các đối tác công nghệ để tạo ra hệ sinh thái tích hợp, đem tới lợi ích tối ưu cho khách hàng. Home Credit Việt Nam- Ví Momo vừa bắt tay hợp tác bước vào kỷ nguyên số trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Đây là cách mà cả Home Credit Việt Nam và MoMo bắt tay nhau để cùng tiên phong bước vào cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch HĐQT của Ví MoMo tin rằng, công nghệ không thể thiếu trong sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng và sẽ làm thay đổi bức tranh của ngành tài chính Việt Nam trong thời gian tới. Đáng chú ý khi thị trường tài chính tiêu dùng ngày càng có thêm nhiều CTTC tham gia.