Số hóa để sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng
Thích nghi để phát triển | |
Cần tư duy rộng hơn khi chuyển đổi số |
“Khi bắt đầu khởi nghiệp năm 2012, tôi đã từng ảo tưởng là cứ sản xuất sản phẩm và đem ra thị trường bán. Thế nhưng thực tế cho thấy chúng ta không thể sản xuất ra một sản phẩm rồi mang đi trưng bày ở hội chợ, trong khi thị trường thế giới đã làm hàng trăm năm rồi. Có nghĩa là trong thời đại công nghệ số, DN đừng ảo tưởng về thị trường, mà cần có sự chuẩn bị chu đáo từ bao bì, mẫu mã cho đến chất lượng sản phẩm...”, ông Trần Tấn Thiện - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Hello 5 nói.
Từ 7 năm trước, sản phẩm cà phê Hello5 của công ty vào được thị trường Mỹ thông qua kênh phân phối của Amazon. Khi chương trình của Amazon Global Selling tiếp cận thị trường Việt Nam, công ty đã bắt đầu xuất khẩu hàng qua Mỹ. Sau một thời gian doanh số bán hàng bắt đầu tăng lên, hiện nay hầu như ngày nào công ty cũng nhận được thông báo từ Amazon về việc triển khai bán hàng.
Để thành công như hiện nay, Cà phê Hello 5 phải chọn lựa thị trường mục tiêu, chuẩn bị bao bì mẫu mã... trước khi đưa sản phẩm ra tiếp cận thị trường đó. Thực vậy, đây là cách làm mới mà nhiều chuyên gia khuyên các DN. Do DN Việt Nam phần lớn là DNNVV nên phải tìm thị trường “ngách” để phát triển sản phẩm của mình. Cà phê Hello 5 cũng đã rút ra bài học là trước khi muốn đưa sản phẩm xuất khẩu, tiếp cận thị trường nước ngoài phải phủ đầy thị trường trong nước. DN cà phê mới này đã tận dụng triệt để các kênh bán hàng nhằm phủ sóng đến mọi đối tượng tiềm năng, đặc biệt là nắm bắt xu hướng thương mại điện tử đang bùng nổ ở nhiều nước châu Á.
Chia sẻ với các DN tìm hiểu về thành công của mình trong thời gian qua ở các thị trường lớn trong xu thế số hóa, ông Thiện tiết lộ, không có thị trường hay xu hướng nào tồn tại mãi mãi, vì vậy DN phải liên tục sáng tạo, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, có giá trị cao hơn mới có thể cạnh tranh tốt hơn. Với việc phát triển bùng nổ của ứng dụng mua sắm trực tuyến và sàn thương mại điện tử, các chuyên gia kinh tế đã khuyến nghị, DN cần tích hợp thương mại trực tuyến và thương mại truyền thống để nâng cao trải nghiệm mua hàng là cần thiết.
Điều này đòi hỏi các DN cần phải làm, vì với môi trường thế giới phẳng, nếu khách hàng quốc tế đến Việt Nam, vào các siêu thị, cửa hàng phổ biến như Co.op Mart, Big C, Aeon Mall, Circle K… mà thấy sản phẩm của DN (đã tìm thấy trên các kênh mua bán trên mạng và đã mua) thì chắc chắn họ sẽ mua hàng của DN.
Cà phê Hello 5 cũng đã thành công nhờ phủ đầy các kênh siêu thị, tiệm tạp hóa trong nước như các sản phẩm cà phê của các công ty danh tiếng khác. Ông Thiện cũng kể lại rằng đã từng chứng kiến một khách hàng nữ (tại Hội chợ triển lãm Quảng Châu – Trung Quốc) cầm gói cà phê Hello 5 xem giá và lập tức lấy điện thoại ra truy cập các trang bán hàng trên mạng để so sánh giá của cà phê Hello 5 đăng rao bán trên đó mới quyết định mua hàng. Đây là một điển hình về tầm quan trọng để DN phải tích hợp giữa online và offline khi số hóa trong kinh doanh để khách hàng tin tưởng vào giá cả của sản phẩm.
Khẳng định xu hướng số hóa kinh doanh là tất yếu, ông Thiện chia sẻ: “Số hóa là một phần không thể thiếu của kinh doanh hiện đại khi giúp cho DN có thể dễ dàng ký hợp đồng làm ăn ở bất kỳ đâu thông qua các thiết bị thông minh chứ không cần phải vào văn phòng mới thực hiện được như trước đây”.