Chính quyền và doanh nghiệp trong xu thế số hóa
Thích nghi để phát triển | |
Doanh nghiệp Nhà nước mới ở ngưỡng ban đầu của hành trình số hóa |
TP.HCM tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện tử và đi đầu trong việc ứng dụng CMCN 4.0 |
Thành phố tập hợp dữ liệu và chia sẻ
Một trong những định hướng về số hóa đó là thành phố đang tập hợp dữ liệu đầy đủ về dân cư, hạ tầng kinh tế - xã hội. Thành phố tập hợp dữ liệu và chia sẻ, gọi là dữ liệu mở - mở giữa các cơ quan quản lý nhà nước trước, tiếp đến là mở cho người dân, DN khai thác, sử dụng. Trên cơ sở nền tảng số hóa, người dân muốn phát triển, kinh doanh dịch vụ thì dựa vào đó để chủ động xây dựng mobile app mà khai thác, kinh doanh, bởi các mobile app đều xuất phát từ cơ sơ dữ liệu lớn được số hóa. Tuy nhiên, đó là hướng lâu dài, quan trọng nhất hiện nay là TP.HCM sẽ công khai, minh bạch thông tin điều hành, quản lý cho người dân một cách nhanh nhất, dễ dàng nhất.
Thời gian qua, UBND TP.HCM đã thí điểm số hóa ở một số địa phương và sở ngành. Cụ thể UBND Quận 1 (TP.HCM) đã số hóa hồ sơ thông tin quy hoạch trên địa bàn, giấy phép xây dựng, kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể...; số hóa thông tin hộ tịch khoảng 1 triệu người dân từng sống ở Quận 1 từ năm 1954 đến nay và ai muốn trích lục thông tin hộ tịch của mình chỉ cần truy cập website.
UBND TP.HCM cũng giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc công bố thông tin quy hoạch và số hóa dữ liệu quản lý đô thị về hạ tầng điện, nước, viễn thông… Ứng dụng thông tin quy hoạch TP.HCM được phát triển và nhằm công khai thông tin quy hoạch đô thị tại TP.HCM thông qua ứng dụng web và ứng dụng trên app điện thoại thông minh giúp người sử dụng có thể xác định vị trí khu đất mình quan tâm cùng các thông tin quy hoạch đô thị liên quan.
Phương châm của TP.HCM đó là không phải đợi có kho dữ liệu dùng chung hoàn chỉnh thông tin điều hành quản lý mới mở ra, mà trên cơ sở hiện hữu, mình có được dữ liệu nào, thì vẫn cho mở ra để người dân, DN tiếp cận, khai thác được hiệu quả. Khi có dữ liệu số hóa đầy đủ về các lĩnh vực đô thị, TP.HCM khuyến khích mọi người thiết kế mobile app nhận diện điểm kẹt xe, ngập nước, hay địa điểm phù hợp quy hoạch có thể mở cơ sở dịch vụ gần trường học, bệnh viện; khu vực phát triển nhà ở theo hướng hiện đại, thuận lợi giao thông, chữa bệnh...
Nền tảng công nghệ mới tạo ra các cách thức mới
Các nền tảng công nghệ mới tạo ra các cách thức mới để đáp ứng yêu cầu và phục vụ thị trường, đồng thời phá vỡ chuỗi giá trị hiện hữu của các ngành công nghiệp. Nhiều nhà sáng tạo là đối thủ cạnh tranh nhờ tiếp cận các nền tảng thế giới số sẽ nhanh chóng được nghiên cứu, phát triển, chế tạo, tiếp thị, bán hàng, phân phối những sản phẩm mới chất lượng hơn, đáp ứng hơn, nhanh hơn và giá cả hợp lý hơn, sẽ loại bỏ những đối thủ trên thị trường.
Bên cạnh đó, khách hàng cũng ngày càng đòi hỏi sự minh bạch, yêu cầu cao và đặc thù nên DN phải thay đổi cách thức thiết kế, tiếp thị, phân phối và thực hiện dịch vụ hậu mãi. Một trong những xu thế chính gọi là nền kinh tế chia sẻ đang phát triển và tiếp tục lan rộng, dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối bên cung và bên cầu của thị trường.
Định hướng phát triển DN trong xu thế số hóa, ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, phát triển công nghiệp của TP.HCM trong giai đoạn 2021-2025 sắp tới sẽ gắn với kinh tế vùng, nâng cao năng suất tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm. TP.HCM sẽ tập trung cơ cấu lại công nghiệp gắn với nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khai thác triệt để cơ hội CMCN 4.0. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển phương thức sản xuất kinh doanh trong DN công nghiệp, tăng khả năng kết nối, tiếp cận thông tin, dữ liệu để tăng cơ hội phát triển.
“TP.HCM sẽ hỗ trợ các DN phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển các ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hàm lượng giá trị gia tăng trong công nghiệp. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình giai đoạn 2020-2025 đạt 7,5-8%/năm”, ông Đông nói.
Lãnh đạo Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM cho biết, nhiều DN trên địa bàn thành phố đã nhìn thấy yêu cầu mới của sự phát triển, nhận thức được vai trò động lực của đổi mới sáng tạo, tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến quy trình quản lý năng suất, chất lượng... Ngành công nghệ thông tin và thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM phát triển mạnh trong nhiều năm qua, tăng trưởng toàn diện đạt trên 30%. Trong đó, ước tính Hà Nội và TP.HCM chiếm tới 70% giao dịch thương mại điện tử.
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin) cũng đang diễn ra sôi động trong các trường đại học thu hút sự quan tâm của ngày càng nhiều nhà đầu tư mạo hiểm và cộng đồng khởi nghiệp ở các nước khác. Dẫu vậy, với hơn 97% DN trên địa bàn TP.HCM là DN nhỏ và siêu nhỏ nên năng lực tài chính, nguồn nhân lực hạn chế trong việc đầu tư cho đổi mới công nghệ, quản trị năng suất chất lượng, chưa nói đến việc xây dựng mô hình DN kỹ thuật số.
Chính vì vậy, để chủ động đáp ứng những tác động cũng như nắm bắt cơ hội của cuộc CMCN lần thứ tư, TP.HCM đã định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên nền tảng của CMCN 4.0, kinh tế số và trí tuệ nhân tạo. TP.HCM sẽ hỗ trợ DN thực hành đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển năng lực hấp thụ, khai thác và sáng tạo công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới có sức cạnh tranh cao, chuyển đổi dần sang mô hình DN kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, TP.HCM tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện tử và đi đầu trong việc ứng dụng thành công các thành tựu tiên tiến của CMCN 4.0, tăng cường hiệu quả phục vụ nhân dân, DN và toàn xã hội, đồng thời góp phần nâng cao năng lực kiến tạo của chính quyền.
TP.HCM cũng vạch ra kế hoạch hỗ trợ ứng dụng, phát triển các công nghệ chủ chốt và sản xuất các sản phẩm của cuộc CMCN 4.0 như: robot thông minh; thiết bị bay không người lái; hệ thống sản xuất tích hợp; thiết bị và dịch vụ trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kết nối Internet vạn vật (IoT), thế hệ mạng di động thứ 5...