Sớm đưa 4 luật có hiệu lực: Áp lực từ hoàn thiện văn bản hướng dẫn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cuộc sống; một số quy định tại các luật có thể thực hiện được ngay. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai khi các luật này có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ tính toán kỹ thời điểm điều chỉnh hiệu lực sớm và thời gian sớm bao nhiêu trên cơ sở xem xét hết sức thận trọng 2 khía cạnh: Một là tính cấp bách, cấp thiết của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực từ ngày 1/8/2024; Hai là mức độ đáp ứng của các điều kiện bảo đảm thi hành trong trường hợp các luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc luật có hiệu lực sớm khi chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết. Có ý kiến đề nghị không điều chỉnh thời gian hiệu lực của các luật.
Về điều kiện bảo đảm thi hành luật, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, đối với văn bản quy định chi tiết do cơ quan Trung ương ban hành, đến ngày 18/6/2024, mới chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành; trong khi 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa được ban hành. Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng sửa đổi một số điều, khoản của các luật khác có liên quan và theo đó có 2 nội dung cần hướng dẫn cũng chưa được ban hành.
Đối với các văn bản của các địa phương quy định chi tiết nội dung được giao trong các luật, hồ sơ dự án luật chưa có thông tin cụ thể về tiến độ, khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong việc dự thảo và ban hành văn bản cho kịp với thời hạn hiệu lực sớm của 4 luật (văn bản hướng dẫn của địa phương gồm 20 nội dung đối với Luật Đất đai, 10 nội dung đối với Luật Nhà ở; ngoài ra có những văn bản có thể phải căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư của Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương mới có thể xây dựng được).
Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành luật tại các địa phương. Một số địa phương quan ngại về việc chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn khi luật có hiệu lực sớm; một số địa phương đề nghị giữ nguyên hiệu lực của luật.
Trường hợp các địa phương không thể hoàn thành các văn bản hướng dẫn có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thi hành luật, nhất là Luật Đất đai, do có nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương như quy định các tiêu chí để quyết định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương quy định tại khoản 1 Điều 126…
Có ý kiến cho rằng, dù các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Trung ương được ban hành đúng tiến độ theo cam kết của Chính phủ thì các địa phương cũng khó bảo đảm điều kiện ban hành toàn bộ các văn bản thuộc thẩm quyền trước ngày 1/8/2024. Có ý kiến đề nghị Chính phủ hạn chế tối đa việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật nhằm chuẩn bị điều kiện thực thi của người dân, doanh nghiệp.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình để các luật sớm đi vào cuộc sống như một bộ phận cử tri hiện nay đang mong muốn. Tuy nhiên, từ thực tiễn cuộc sống có những bất cập, đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật thuộc trách nhiệm của địa phương, đánh giá rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, tránh tạo khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách ảnh hưởng đến đối tượng bị tác động của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực và các điều khoản chuyển tiếp...
Đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) cũng bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung về thời điểm có hiệu lực đối với các luật. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ thì mới nêu các điểm tác động tích cực và những điểm có lợi khi triển khai thực hiện các luật này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải đánh giá đầy đủ những rủi ro và các yếu tố tác động bất lợi khi triển khai sớm các luật này để có giải pháp phù hợp.
Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng điều chỉnh hiệu lực sớm của các luật phải đảm bảo song hành với việc sớm đưa các quy định mới, có tính đột phá, có lợi cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vào thực tiễn. Tuy nhiên, đây là một áp lực rất lớn. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ để đảm bảo hạn chế những tác động không mong muốn xảy ra, đặc biệt là không tạo ra khoảng trống hay kẽ hở pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, để bảo đảm các luật được thi hành hiệu quả trong trường hợp Quốc hội thông qua việc có hiệu lực sớm, đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo và thực hiện đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 3870/TB-TTKQH: “Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của các luật”; “Nhận diện rõ, đầy đủ rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, hệ quả tiêu cực của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp của các luật, chủ động có giải pháp xử lý, khắc phục”; “bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm; không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển; không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng dẫn đến phản ứng xã hội, khiếu nại, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”...