Start-up có nên chọn tăng trưởng nóng?
Một tín hiệu khả quan từ thống kê những tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký lớn đang tăng.
Cụ thể: số lượng doanh nghiệp có số vốn từ 10 - 20 tỷ đồng tăng 25%, doanh nghiệp có số vốn đăng ký từ 20 - 50 tỷ đồng tăng 16,7%, doanh nghiệp có số vốn từ 50 - 100 tỷ đồng tăng 36,7%, doanh nghiệp có số vốn trên 100 tỷ đồng tăng 52,9%. Sự tăng trưởng về số doanh nghiệp có vốn đăng ký lớn cho thấy niềm tin của cộng đồng khởi nghiệp đang dần được cải thiện. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên với các doanh nghiệp vừa khởi sự, một bài toán đặt ra cho họ là lựa chọn con đường: Một bên là phát triển bùng nổ nhanh chóng nắm bắt cơ hội, một bên là đi con đường dài hướng tới mục tiêu bền vững. Con đường nào phù hợp với mô hình doanh nghiệp, những lợi thế và bất lợi của từng doanh nghiệp là gì, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tìm đến đâu và được hỗ trợ như thế nào?
Ảnh minh họa |
Theo ông Bùi Thành Đô - thành viên sáng lập và là CEO của ThinkZone Ventures, trong 3 năm gần đây, các start-up tập trung nhiều hơn vào các công nghệ cốt lõi, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Khi các sáng lập viên chấp nhận cuộc chơi thực sự của một start-up thì họ luôn vẫn phải chọn một mô hình có mức tăng trưởng nhanh bởi vì các quỹ đầu tư thường nhắm vào các start-up có tiềm năng tăng trưởng nhanh để có cơ hội thu hồi vốn. Các start-up tăng trưởng nhanh nếu có công nghệ và giá trị cốt lõi thì sau đó họ sẽ tập trung nghiên cứu vào các vấn đề cốt lõi thì hoàn toàn có thể tăng trưởng bền vững. Do đó, các start-up rất có thể thực hiện hai việc này song song.
Hiện tại, ThinkZone đang đầu tư vào một công ty quản lý taxi. Trên thực tế, công ty này chưa từng tăng trưởng nóng vì doanh thu còn nhỏ. Thế nhưng độ ảnh hưởng của công ty lại rất lớn vì giá trị cốt lõi của công ty là nghiên cứu sâu về công nghệ và sản phẩm, cung cấp nền tảng cho 110 hãng taxi có thể điều vận chung và chia sẻ lại các khách hàng với nhau. Hiện nay, công ty đã có 18 triệu lượt khách hàng đang sử dụng trên hệ thống công nghệ này.
Cũng về câu chuyện này, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó tổng giám đốc Viettel Telecom (Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Viet Solutions 2021) kể thêm, sau 2 năm tổ chức, Ban tổ chức đã nhận được hơn 600 hồ sơ tham gia và có khoảng 10% trong số đó đã có những hợp tác với Viettel. Những sản phẩm này sau đó đã cung cấp dịch vụ cho trên 120 triệu khách hàng ở các nước mà Viettel đầu tư. Từ những start-up đã hợp tác với Viettel sau cuộc thi Viet Solutions, theo ông Nguyễn Chí Thanh, các start-up này không quá nổi bật, tuy nhiên họ tăng trưởng bền vững. Ví dụ như VNN AI, là start-up tham gia cùng Viettel từ mùa giải đầu tiên và đã có những bước phát triển rất ổn định ở mảng AI. Các start-up hiện nay có xu thế cẩn trọng hơn và lựa chọn các mô hình phát triển bền vững. Họ tập trung vào các giá trị cốt lõi để tạo ra các giá trị khác biệt, không chạy theo những sự vụ xu thế của thị trường mà tập trung các giá trị cốt lõi chính là công nghệ.
Tại cuộc thi Viet Solutions, ban tổ chức không đưa ra lựa chọn là start-up tăng trưởng nóng hay tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số doanh nghiệp tăng trưởng nóng bằng cách đầu tư vốn ồ ạt thì mô hình đó sẽ có nhiều rủi ro. Ở Việt Nam, việc lựa chọn hướng đi ngách an toàn sẽ phù hợp hơn với các start-up.