Tận dụng kênh truyền thông miễn phí khi khởi nghiệp
Start-up có nên chọn tăng trưởng nóng? Tăng cường kết nối Start-up công nghệ thông tin |
Là một trong số những start-up trong ngành thời trang thiết kế, anh Long Nguyễn chia sẻ, anh tự tìm tòi và phát triển các kênh quảng bá của doanh nghiệp trên nền tảng mạng xã hội. Ban đầu tuy hiệu quả chưa cao nhưng phù hợp với nguồn kinh phí eo hẹp của anh lúc bấy giờ. Dần dần, các kênh này tăng lượt tương tác rất nhanh và trở thành một công cụ quan trọng để anh kết nối, truyền đạt thông tin tới khách hàng cũng như nhận được những phản hồi, đánh giá của khách hàng về sản phẩm. Sản phẩm có chất lượng tốt cùng sự tương tác qua các kênh truyền thông miễn phí đã giúp anh có doanh thu liên tục tăng theo thời gian.
Bên cạnh đó, việc tham gia các sự kiện, hội thảo, tọa đàm… trong cùng lĩnh vực cũng là cách tốt để start-up mở rộng quan hệ, kết nối với đối tác và khách hàng.
Bà Nguyễn Thùy Vân, Giám đốc Công ty may Vân Chiến cho biết, dấu ấn đầu tiên của doanh nghiệp sau hơn 4 năm hoạt động là nhận được đơn hàng xuất khẩu tại một hội chợ kết nối các nhà start-up trẻ. Nhanh chóng nhận ra tiềm năng, doanh nghiệp đã thành lập một nhóm tích cực kết nối, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để tăng sự hiện diện đến nhóm khách hàng tiềm năng. Nhờ đó, số lượng các đơn hàng trong nước và xuất khẩu của công ty dần được cải thiện.
Cùng với đó, kênh truyền thông miễn phí cho start-up còn đến từ các cơ quan nhà nước, tổ chức.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ, Việt Nam có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt. Đây đều là những cơ quan, tổ chức có thể hỗ trợ truyền thông cho start-up hiệu quả.
Mới đây, Forbes đã tổng hợp một số kênh miễn phí mà start-up có thể sử dụng để bắt đầu xây dựng hoạt động truyền thông cho riêng mình. Đó là các công cụ truyền thông xã hội trên mạng như Facebook, Instagram, Zalo, website, kênh Youtube… Việc tham gia các sự kiện, hội thảo, tọa đàm… trong lĩnh vực của mình là cách tốt để start-up mở rộng quan hệ, kết nối với các chuyên gia.
Để tận dụng cơ hội từ các kênh truyền thông miễn phí hiệu quả, ông Lý Đình Quân - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator) cho rằng, bước đầu tiên doanh nghiệp cần xác định mô hình sản phẩm, sứ mệnh và triết lý tiếp thị truyền thông gắn liền; làm tốt các yếu tố nội tại, tức xây dựng sản phẩm, dịch vụ có giá trị, tiếp theo là nội dung truyền thông phải hữu ích và hấp dẫn. Khi đã có tệp khách hàng, hãy nghĩ tiếp đến kênh truyền thông lan truyền rồi các kênh có trả phí để quảng bá mạnh mẽ thương hiệu.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng nhìn nhận, sẽ không có công thức truyền thông chung nào phù hợp tất cả star-tup, nhưng hoạt động truyền thông cần được thực hiện đúng thời điểm và đúng tần suất. Truyền thông quá sớm cho một sản phẩm chưa hoàn thiện có thể là “con dao hai lưỡi”, khiến sản phẩm bị tẩy chay nhanh hơn. Hay tần suất truyền thông quá dày đặc và phô trương dễ khiến người dùng ác cảm với sản phẩm, trong khi khách hàng Á Đông vẫn chuộng phương thức truyền thông tinh tế với tần suất vừa đủ.