![]() |
Tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh |
Đón đầu nhu cầu vốn
Nắm bắt nhu cầu vốn thường có xu hướng tăng cao trong dịp cuối năm, nhất là khi nền kinh tế đang bắt đầu hồi phục, thời gian qua các ngân hàng đã đẩy mạnh huy động vốn bằng nhiều sản phẩm và chương trình khuyến mãi hấp dẫn, tặng thêm lãi suất cho người gửi tiết kiệm online. Đơn cử, VPBank tung ra sản phẩm tiền gửi Prime Savings trên kênh tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng, tháng thứ nhất lãi suất 9,4%/năm, các tháng sau đó lãi suất 4,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng tháng thứ nhất 10%/năm, các tháng sau 5%/năm, kỳ hạn 15 tháng tháng đầu lãi suất 10,2% sau đó các tháng còn lại 5,1%/năm.
Nguồn vốn dư dả đã tạo điều kiện cho các nhà băng tung ra nhiều sản phẩm tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như phục vụ mục đích tiêu dùng dịp Tết. Đơn cử Agribank vừa công bố gói tín dụng tiêu dùng trị giá 25.000 tỷ đồng dành cho những khách hàng vượt qua dịch bệnh Covid-19 vay vốn với lãi suất 7,5%/năm qua hình thức phát hành thẻ. Theo đó, từ nay đến 30/6/2022, người nhận lương qua tài khoản tại hệ thống Agribank sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi áp dụng đối với các khoản thấu chi mới cũng như các khoản dư nợ thấu chi hiện hữu.
Đặc biệt các ngân hàng đã tung ra nhiều chương trình cho vay vốn ngắn hạn nhằm phục vụ nhu cầu vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuẩn bị hàng hóa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong đó, Vietcombank, Agribank, ACB… là những ngân hàng “đến hẹn lại lên” sẽ tung ra các chương trình bình ổn thị trường trong dịp này. Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, hầu hết các đơn vị cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đều là những doanh nghiệp tốt nên được ngân hàng săn đón và cho vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, NHNN đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh cung ứng vốn cho các đơn vị kinh doanh, đảm bảo cho các hoạt động đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 an toàn, tiết kiệm; đồng thời góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố ngay từ đầu năm.
Chọn nơi... rót vốn
Mặc dù sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron khiến cho đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng Việt Nam đã và đang đẩy nhanh chiến dịch bao phủ vắc-xin ngừa Covid-19. Hiện tỷ lệ người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm mũi hai đứng ở mức rất cao và một số thành phố hiện đang triển khai tiêm mũi ba cho người từ 18 tuổi trở lên. Vì vậy người dân, doanh nghiệp có quyền hy vọng và tự tin hoạt động trong điều kiện bình thường mới.
Theo chuyên gia, năm 2022 các lĩnh vực, ngành hàng có nhiều cơ hội phát triển và dễ tiếp cận vốn ngân hàng, bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đầu tư xây dựng cơ bản, tiêu dùng… Những doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực này sẽ có nhiều cơ hội phục hồi và phát triển, kéo theo nhu cầu vốn tín dụng tăng lên. Để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, nắm bắt cơ hội kinh doanh, ngân hàng đã đưa ra nhiều chương trình tài chính mới.
VietinBank cho vay trung dài hạn cho doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư mới hoặc dự án nâng cấp, mở rộng sản xuất kinh doanh, thời hạn cho vay từ 1 - 5 năm, hạn mức cấp vốn đa dạng theo từng lần hoặc tuần hoàn. Trong giai đoạn hậu giãn cách xã hội, vấn đề tài sản đảm bảo nợ vay là điều khó khăn nhất của các doanh nghiệp. Giải quyết vấn đề này, VietinBank đang có gói Giải pháp tài chính toàn diện ưu đãi hạn mức tín dụng không đảm bảo lên đến 10 tỷ đồng/khoản vay. Hay MSB cấp hạn mức tín dụng tín chấp đến 500 triệu đồng/khoản vay đối với các nhà xuất khẩu; lãi suất cho vay ngoại tệ chỉ từ 2,5%/năm, bằng VND 5,5%/năm.
Để tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, ông Nguyễn Thành Nhân - Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng Bản Việt gợi ý, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần rà soát lại lĩnh vực kinh doanh để bỏ bớt những lĩnh vực không còn phù hợp và bổ sung ngành hàng kinh doanh mới. Đơn cử, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ngành hàng tiêu dùng, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, quầy ăn uống… phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường mới có thể không còn phù hợp khách hàng hạn chế tiếp xúc, từ đó doanh nghiệp cần số hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. “Ngân hàng sẵn sàng cấp tín dụng không có tài sản đảm bảo bảo nợ vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần minh bạch tài chính để ngân hàng có thể đánh giá đúng thực lực để có hỗ trợ phù hợp. Các doanh nghiệp cần có kế hoạch kinh doanh càng rõ ràng càng khắc phục được tình hình khó khăn tạm thời hiện nay”, ông Nhân nói.
Báo cáo Toàn cầu của HSBC dự báo Việt Nam sẽ không tăng lãi suất điều hành trong suốt năm 2022. Mặc dù, giá nhiên liệu trên toàn cầu tăng và chi phí vận chuyển trong nước vẫn còn cao, sức mua còn yếu; Dự báo lạm phát năm 2022 sẽ tăng 2,7% so với mức 1,9% của năm 2021. HSBC đánh giá năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ bình thường trở lại sau khi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng được dần tháo gỡ. Tuy nhiên, để củng cố nền tảng vững chắc cho chuỗi cung ứng, Việt Nam cần kiểm soát tốt số ca Covid-19 mắc mới tăng trở lại.
Minh Phương
Nguồn: