Thách thức từ mức sinh thấp tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, thực trạng người trẻ ngại kết hôn, các bậc cha mẹ ngại sinh đẻ, đã khiến tỷ lệ sinh ở châu Á ngày càng giảm, dân số già hoá, gây nhiều hệ luỵ cho cá nhân, thực thể gia đình nói riêng và xã hội nói chung, Điển hình là các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc đã liên tiếp ghi nhận các dữ liệu tỷ lệ sinh giảm xuống thấp. Việt Nam cũng không phải một ngoại lệ.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 1999 trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ có 2,33 con. Từ năm 2009 đến nay, tỷ suất sinh tăng nhẹ, hoặc giảm nhẹ quanh mức (2,1 con) và đến năm 2023, theo thống kê mới nhất, mỗi phụ nữ Việt Nam có 1,9 con, thấp nhất từ trước đến nay. Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ, điển hình là Thành phố Hồ Chí Minh, đang nằm trong nhóm thấp nhất của cả nước về tỷ suất sinh con và đang có xu hướng giảm ở mức cảnh báo.
Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng có quan điểm là kết hôn muộn hơn và chỉ có một con để đủ nguồn lực tài chính, thời gian, sức khỏe để chăm sóc và đầu tư tốt nhất cho con cái. Theo xu hướng này, các cặp vợ chồng trẻ, nhất là phụ nữ, muốn có thêm thời gian để nâng cao trình độ học vấn, năng lực chuyên môn và nắm bắt các cơ hội để phát triển bản thân hơn là sinh nhiều con. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh. Nguyên nhân do mức sinh, mức chết thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao.
Năm 2023, theo thống kê mới nhất, mỗi phụ nữ Việt Nam có 1,9 con, thấp nhất từ trước đến nay. |
Trong điều kiện là một nước đang phát triển, đặc biệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thì với tốc độ đô thị hoá cao, hội nhập quốc gia ngày càng sâu, rộng; mức sinh thấp kéo dài không những ảnh hưởng đến cấu trúc dân số, mà còn sẽ để lại nhiều hệ luỵ khó lường. Thứ nhất, tỷ lệ người trẻ - người trong độ tuổi lao động giảm, trong khi đó tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng cao sẽ làm cho nguồn lao động bị thiếu hụt, ảnh hưởng nặng nề trực tiếp đến năng suất làm việc và sự phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, mức sinh giảm, tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ tạo ra một áp lực rất lớn cho hệ thống an sinh - xã hội, phúc lợi, nhân lực và chi phí lớn để chăm sóc người cao tuổi.
Thậm chí, trong dự báo dân số Việt Nam tới năm 2069, ở kịch bản mức sinh thấp, Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ tỷ lệ tăng dân số bình quân ở mức tăng trưởng âm (-0,04%) vào năm 2059. Trong khi đó, nếu ở phương án mức sinh trung bình, 10 năm sau đó (2069), con số này mới đạt mức 0. Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết thực
Để giải quyết vấn đề này, cần có những biện pháp thực hiện đồng bộ, từ chính sách hỗ trợ đến việc thay đổi nhận thức của người dân thành phố. Việc khuyến sinh, không đơn giản chỉ là sự thay đổi về số con, mà quan trọng nhất vẫn là những chế độ hỗ trợ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con để họ có thể nuôi dạy con cái trong điều kiện phát triển tốt nhất.
Trước đó, vào năm 2008, Pháp lệnh dân số cũng đã đề xuất bỏ quy định cặp vợ chồng “chỉ sinh một hoặc hai con” như theo quy định ở điều 10 Pháp lệnh dân số năm 2003. Theo đó, các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân.
Mới đây, vào tháng 7/2024, Bộ Y tế cũng đang đề nghị xây dựng Luật Dân số nhằm đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới. Tại dự án luật này, Bộ Y tế đề xuất trao quyền tự quyết thời gian, khoảng cách sinh và số con cho các cặp vợ chồng, cá nhân, đảm bảo phù hợp điều kiện sức khỏe, thu nhập; đề xuất quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con.
Điều quan trọng hơn cả là nhà nước cần bảo đảm ngân sách để hỗ trợ, khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần cho người dân thực hiện chính sách. Các tỉnh, thành phố phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho các vợ chồng nhằm duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội./.