Thận trọng trong điều hành giá trước thời điểm sắp tăng lương cơ sở
Điều hành giá giữ ổn định thị trường Theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động triển khai các biện pháp điều hành giá kịp thời, hiệu quả |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì họp báo |
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo
Thông tin về tình hình thực hiện thu, chi NSNN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tổng thu cân đối NSNN lũy kế đến ngày 15/6/2023 ước đạt 810,2 nghìn tỷ đồng, bằng 50% dự toán (thu NSTW ước đạt 53,3%, thu NSĐP ước đạt 46,2% dự toán), trong đó: thu nội địa đạt 49,8% dự toán, thu từ dầu thô đạt 67,7% dự toán (giá dầu thô thanh toán bình quân đạt 87,3 USD/thùng, cao hơn 17,3 USD/thùng so với giá dự toán); thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 48,9% dự toán.
Chi NSNN thực hiện đến ngày 15/6/2023 ước đạt 707,7 nghìn tỷ đồng, bằng 34,1% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 23,3% dự toán Quốc hội (tỷ lệ giải ngân ước đạt 23,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao ), chi trả nợ lãi ước đạt 46,1% dự toán, chi thường xuyên ước đạt 41,8% dự toán... Đáp ứng các nhu cầu chi theo dự toán để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản chi trả nợ đến hạn, đảm bảo chi trả kịp thời các khoản lương, lương hưu, trợ cấp xã hội từ NSNN.
NSTW đã chi từ dự phòng năm 2023 bổ sung cho các địa phương 624,8 tỷ đồng để thực hiện phòng, chống dịch, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp gần 18,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 15/6/2023, đã thực hiện phát hành 168,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,2 năm, lãi suất bình quân 3,76%/năm.
Thận trọng trong điều hành giá
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về các giải pháp trong quản lý, điều hành giá trong thời gian tới, nhất là thời điểm sắp tăng lương cơ sở 1/7 sắp tới, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, công tác điều hành quản lý giá mang tính chất liên tục, thường xuyên. Bộ Tài chính là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá thời gian qua đã tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, thường xuyên đưa ra kịch bản, các phương pháp để điều hành giá trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn.
Công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2023 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động triển khai các giải pháp theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã giao.
Thời gian tới, để kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu, theo đại diện Cục Quản lý giá, cơ quan quản lý sẽ bám sát thị trường để kiểm soát theo đúng mục tiêu đề ra, đặc biệt chú ý đến các mặt hàng chiến lược, xăng dầu, nắm bắt tình hình cân đối cung cầu. Đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng thời, cơ quan quản lý tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá khi hàng hóa có biến động bất thường.