Thận trọng với rủi ro trong trung hạn
Những tuần giáp Tết Nguyên đán và đầu năm mới là thời điểm vàng để các ngân hàng tăng cường huy động vốn. Bởi đây là lúc cả người dân và doanh nghiệp để lượng tiền tạm nhàn dỗi khá lớn, trước khi bước vào “năm tài chính” theo lịch mặt trăng.
BIDV tranh thủ chào bán trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu với các kỳ hạn 7 năm, 8 năm và 10 năm cho khách hàng cá nhân, với lãi suất huy động lên tới 6,5%/năm cùng một chương trình quà tặng bằng tiền mặt có tổng trị giá hơn 9 tỷ đồng. Đây là mức lãi suất hấp dẫn so với mặt bằng lãi suất huy động hiện nay.
Ảnh minh họa |
Ở khối các NHTMCP cũng đang rầm rộ triển khai nhiều chương trình tặng quà, lì xì đầu năm, quay số trúng thưởng vàng, tặng hàng hóa có giá trị lớn dành cho khách hàng gửi tiết kiệm. Một số NHTMCP điều chỉnh tăng lãi suất huy động như một lợi thể cạnh tranh trước những hàng xóm lớn – ngân hàng có uy tín và thương hiệu lớn hơn.
Có thể nói lãi suất huy động đang nhích tăng so với tháng trước, nhưng chỉ mang tính thời vụ. Lý do là các TCTD đang tranh thủ huy động vốn nhằm chuẩn bị lượng vốn cung ứng khi cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cả nước chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn; trong khi Quốc hội cũng đã thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023.
Không chỉ giới chuyên gia trong nước, các tổ chức tài chính quốc tế cũng đưa ra dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của WB công bố ngày 13/1, GDP Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022 với tăng trưởng GDP dự báo tăng lên 5,5%. Hay theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7%...
Tuy nhiên hiện lạm phát đang có xu hướng tăng cao trên toàn cầu. Chẳng hạn lạm phát tại Canada trong tháng 12/2021 đã tăng vọt lên mức 4,8%, mức cao nhất kể từ năm 1991. Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố số liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12/2021, so với cùng kỳ năm 2020. Một số nước có tỷ lệ lạm phát rất cao như Estonia cao nhất với 12%, Lithuania với 10,7%, Latvia 7,7%, Tây Ban Nha 6,7%, Bỉ 6,5%, Hà Lan 6,4%, Đức 5,7%.
Lạm phát cao đã buộc nhiều quốc gia trên thế giới phải đảo chiều chính sách tiền tệ sang thắt chặt, tăng lãi suất để ứng phó. Trong biên bản cuộc họp được công bố đầu tháng 1/2022 Fed đã bày tỏ lo ngại về khả năng giá sẽ tiếp tục theo xu hướng tăng trên quy mô toàn cầu do đứt gãy chuỗi cung ứng và ảnh hưởng tiêu cực từ biến chủng mới của dịch Covid-19. Trước đó, 10 trong số 18 thành viên Ủy ban Thị trường mở của Fed đã đưa ra dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất ba lần trong năm 2022.
Trong khi Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, nên nguy cơ nhập khẩu lạm phát cũng rất cao. Điều đó sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Bởi để kiềm chế lạm phát, cần phải thắt chặt lại tiền tệ; thế nhưng điều này lại ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng. Trong khi nếu nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng, lại lo tạo thêm áp lực đến lạm phát.
Lạm phát cũng gây nhiều khó khăn cho hoạt động của các TCTD bởi khi lạm phát tăng họ sẽ phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo lãi suất thực dương và đủ sức hấp dẫn đối với người gửi tiền trước những kênh đầu tư khác đang khá sôi động. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ duy trì như hiện nay, thậm chí có thể còn giảm thêm theo chủ trương của Chính phủ, NHNN để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Điều đó có nghĩa, các ngân hàng sẽ phải xoay sở trong biên độ NIM ngày càng thu hẹp.
Trong khi việc kéo dài thời gian hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng do có độ trễ. Theo tính toán của NHNN, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 7,31%. Điều này khó đảm bảo thực hiện được mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, tác động tiêu cực, trực tiếp đến chất lượng tài sản và năng lực tài chính của các TCTD.
Chưa kể, việc kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (thực chất đã biến các khoản cho vay ngắn hạn thành trung dài hạn cũng như tạm thời không ghi nhận mức độ rủi ro thực tế của khách hàng), cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng trong trung hạn.