Tháo khó khăn vĩ mô để Vĩnh Phúc phát triển khu công nghiệp bền vững
Vĩnh Phúc: Gần 20 nghìn tỷ đồng cho vay qua kết nối ngân hàng - doanh nghiệp Vĩnh Phúc: Tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đẩy mạnh tín dụng quý cuối năm |
Tại Vĩnh Phúc đã có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích là 3.146 ha |
Điểm sáng và khó khăn
Trong nhiều năm liên tiếp Vĩnh Phúc là “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư. Ở Vĩnh Phúc đã có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích là 3.146 ha. Trong các KCN có 493 dự án đầu tư còn hiệu lực (376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6,74 tỷ USD và 117 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 37.784,64 tỷ đồng) và 413 dự án đang hoạt động SXKD (334 dự án FDI và 79 dự án DDI).
Thực hiện Nghị quyết 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 368 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng và quyết định số 158 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được xác định là một trong những tỉnh xây dựng vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Phú Thọ, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng của cả vùng; trung tâm công nghiệp vùng Thủ đô Hà Nội… như vậy, trong thời kỳ tiếp theo, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được xác định là một trong những tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp của cả nước, của Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, thì việc triển khai các KCN trên địa bàn tỉnh gặp 9 khó khăn, vướng mắc, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trần Duy Đông thẳng thắn nhìn nhận và chỉ đạo cần sớm có giải pháp thực hiện ngay để tháo các vướng mắc khó khăn đó. Thứ nhất, tính pháp lý về quy định khung đối với KCN chưa cao. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động KCN mới dừng lại ở cấp Nghị định, thường có sự xung đột, thiếu thống nhất khi các nghị định của pháp luật chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Mô hình phát triển KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao…chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.
Thứ hai, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Thứ ba, là khó khăn về nguồn đất san nền cho các dự án KCN. Thứ tư, xác định giá đất cho các KCN chậm được thực hiện. Thứ năm, chất lượng quy hoạch xây dựng còn hạn chế. Thứ sáu, năng lực và hiệu lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư của các cơ quan trong tỉnh chưa cao; công tác phối hợp giữa các sở ban, ngành, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp với chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế. Thứ bảy, năng lực, kinh nghiệm của một số chủ đầu tư hạ tầng KCN trên địa bàn còn hạn chế; một số khu công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ về hạ tầng; việc duy tu bảo dưỡng, chăm sóc, vận hành khu công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ tám, gần đây thu hút được rất ít dự án có quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao và nhà đầu tư chiến lược, lợi thế cạnh tranh của tỉnh có xu hướng giảm xút, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có. Các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, xe máy, vật liệu xây dựng… có xu hướng giảm dần lợi thế cạnh tranh.
Các dự án DDI chủ yếu là dự án có quy mô nhỏ và vừa. Một số chủ đầu tư có năng lực hạn chế, “vốn mỏng” dẫn đến dự án chậm tiến độ, kinh doanh không hiệu quả; Việc kết nối trong sản xuất, kinh doanh và chuyển giao công nghệ giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, số lượng doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI không nhiều.
Thứ chín, giá thuê đất bình quân trên địa bàn tỉnh (130-150 USD/m2, có dự án đến 170 USD/m2) cao hơn so với mặt bằng chung một số tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… làm giảm tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Thứ mười, việc phát triển các khu nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp chậm được triển khai là một trong những yếu tố sẽ làm giảm sức cạnh tranh về lao động và môi trường đầu tư.
Theo quy hoạch đến năm 2030 Vĩnh Phúc có 28 KCN với diện tích là 4.815 ha |
Tháo khó khăn vĩ mô về chính sách
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh định hướng phát triển KCN bền vững. Và ông chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền trong tỉnh tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước theo hướng phân cấp, ủy quyền phù hợp, nâng cao hiệu quả quản lý gắn với tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các khó khăn, hỗ trợ tốt nhất cho các chủ đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp trong KCN.
Vĩnh Phúc đang tập trung quyết liệt giải phóng mặt bằng, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước về KCN. Các cơ quan quản lý chuyên ngành, các địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án vào hoạt động theo đúng kế hoạch, nhất là các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Tập trung giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về xác định giá đất; nguồn đất san nền cho các dự án, đảm bảo kịp thời nhưng chặt chẽ, không để xảy ra sai sót.
Theo Trưởng ban Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc: Chính sách phát triển KCN của Chính phủ là yếu tố tiên quyết, quyết định sự phát triển lớn mạnh của hệ thống các KCN tại Việt Nam. Vì vậy, những khó khăn vĩ mô về chính sách phát triển KCN, KKT đã gây cản trở lớn đến sự phát triển của các KCN trên cả Việt Nam chứ không chỉ riêng tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Vì thế, để các KCN phát triển bền vững, cần có chính sách mang tính dài hạn, ổn định, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực bảo vệ môi trường, hỗ trợ về nhà ở cho công nhân KCN. Và xây dựng các công cụ thu hút đầu tư có chọn lọc, như: Danh mục dự án thu hút các nhà đầu tư chiến lược, lĩnh vực, ngành nghề chiến lược; Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ xây dựng Bộ công cụ về sàng lọc dự án đầu tư; Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN, đảm bảo lựa chọn được các nhà đầu tư đủ năng lực, điều kiện để thực hiện dự án theo định hướng thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật về KCN, KKT trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Chính phủ xem xét. đồng thời tiến hành rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định còn chồng chéo đối với hoạt động quản lý nhà nước hiện nay đã ban hành tại các luật như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn cụ thể về phát triển các loại hình KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao. Một đề nghị nữa, đó là Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP/2022 hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường theo hướng giao quyền cho UBND cấp tỉnh thẩm định Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cấp Giấy phép môi trường.