Thế khó bủa vây doanh nghiệp cảng biển
Theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, các khu vực cảng biển có khối lượng thông qua cao nhất trong cả nước đều giảm sút. Cụ thể, khu vực Vũng Tàu giảm 13%, Hải Phòng giảm 3%, TP. Hồ Chí Minh giảm 3%. Các doanh nghiệp cho biết giá cước vận tải container đang có xu hướng giảm rất mạnh, nhất là trên các tuyến vận tải quốc tế. Đơn cử như tuyến TP. Hồ Chí Minh - Malaysia, giá cước container 40 feet giảm từ 26 – 40 triệu đồng/container, xuống còn từ 7-8 triệu đồng/container. Giá cước container 20 feet cũng giảm mạnh từ khoảng 13-19 triệu đồng xuống còn khoảng 4,5 triệu đồng/container.
Với những ảnh hưởng kể trên, không ngạc nhiên khi doanh nghiệp cảng biển đồng loạt báo lợi nhuận suy giảm trong quý I/2023.
Đơn cử, "ông lớn" CTCP Gemadept (mã GMD) thông báo doanh thu tăng nhẹ 2,5% đạt 901 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 20,3% còn 254 tỷ đồng. GMD cho biết lợi nhuận giảm sâu do lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết giảm hơn 104 tỷ đồng, trong khi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tăng hơn 25 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (Mã VSC) cũng báo lãi trước thuế giảm 57% còn 55 tỷ đồng không chỉ do chi phí tài chính quý I/2023 của công ty tăng cao vì lãi vay ngân hàng, mà biên lợi nhuận giảm do một số chuyến tàu phải chuyển sang cảng ngoài vì trùng lịch, các chi phí khác cũng tăng.
Tương tự, CTCP Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) báo lãi sau thuế quý I/2023 giảm 52% còn 126 tỷ đồng. HAH cho biết KQKD giảm do nâng cấp sửa chữa mặt bãi nên sản lượng, doanh thu hoạt động cảng giảm. Hiện tại, số lượng tàu của công ty giảm từ 11 xuống 9 trong bối cảnh giá cước biển, giá cho thuê tàu suy giảm.
Chiều ngược lại, CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Mã VOS) gây chú ý khi là đơn vị duy nhất báo lãi tăng 30% đạt 73 tỷ đồng. Dù vậy, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ban lãnh đạo VOS cũng thận trọng khi nhận định rằng sau gần 2 năm tăng trưởng nóng, thị trường tàu hàng khô năm 2023 sẽ nhiều khó khăn và áp lực cho các chủ tàu.
Thực tế, những khó khăn trong năm 2023 đã được nhiều doanh nghiệp cảng biển niêm yết lường trước.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023, đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) nhận định, thị trường tàu hàng rời, tàu container năm 2023 suy giảm mạnh do lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia, suy thoái toàn cầu ảnh hưởng tới năng lực mua sắm hàng hoá, lượng hàng tồn kho tích trữ nhiều. Bên cạnh đó, hoạt động càng biển của VIMC sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi do nguồn hàng có nguy cơ suy giảm bởi các yếu tố đầu vào của thị trường và số lượng đơn hàng sụt giảm khiến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng, đóng cửa; xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại bắt đầu từ quý IV/2022….
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, triển vọng hoạt động cảng biển vẫn tương đối ảm đạm trong tương lai gần dựa trên giá trị nhập khẩu giảm sâu hơn giá trị xuất khẩu nêu trên. Bên cạnh tác động từ yếu tố giá, VDSC nhìn nhận rằng các đơn đặt hàng xuất khẩu còn khá yếu khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn chưa sẵn sàng cho việc nhập khẩu để tích trữ tồn kho nguyên liệu sản xuất. Điều này cũng thể hiện qua chỉ số PMI của Việt Nam, vốn ở dưới mức 50 điểm trong phần lớn thời gian của hai quý gần nhất.
Về phía SSI Research, đơn vị này nhận định nhu cầu vận tải container năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn phía trước do nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục yếu trong năm 2023 trong bối cảnh lạm phát cao (trong khi thu nhập và tiết kiệm cá nhân giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại), và cơ cấu tiêu dùng tiếp tục dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Ngoài ra, việc giải phóng hàng tồn kho cần ít nhất 2 quý. SSI Research kỳ vọng nhu cầu vận tải sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 để chuẩn bị cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại và khôi phục các chuyến bay quốc tế là yếu tố tích cực đáng kể đối với ngành… Sản lượng container qua cảng có thể ở mức thấp trong nửa đầu 2023, đặc biệt tại các cảng nước sâu với lượng tàu chủ yếu đến từ Mỹ và châu Âu…
Quan điểm từ CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) tích cực hơn đôi chút. Dựa trên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thương mại điện tử, bán lẻ tại Mỹ vẫn duy trì tăng trưởng dương như Amazon (tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái) và mức tồn kho kỳ vọng sẽ giảm về mức thấp trong nửa cuối năm 2023. BSC nhìn nhận sản lượng cảng có thể hồi phục từ giữa đến cuối quý III/2023 tuy nhiên nhìn chung cả năm 2023 tăng trưởng sản lượng sẽ vẫn kém khả quan so với 2022.
Dù vậy, giới chuyên gia nhìn nhận ngành cảng biển có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Theo đó, Việt Nam có nhiều ưu thế để trở thành công xưởng thế giới, giúp thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất nhập khẩu tăng trưởng. Điều này minh chứng qua số liệu sản lượng container ở Việt Nam giai đoạn 2017-2022 tăng trưởng bình quân 13%/năm nhờ tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu rất cao của nền kinh tế. Đặc biệt cảng biển còn có tiềm năng phát triển khi nhu cầu xuất nhập khẩu càng tăng mạnh theo sự phục hồi của nền kinh tế. Đáng chú ý, việc Trung Quốc mở cửa sẽ là động lực lớn cho ngành cảng biển khi nước này là một đối tác lớn trong cả xuất khẩu và nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam.