Cạnh tranh trên thương mại điện tử ngày càng quyết liệt
Gỡ “nút thắt” phát triển thương mại điện tử Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử |
Cuộc cạnh tranh toàn diện
Thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ về số lượng người bán hàng. PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo thống kê, Việt Nam hiện có trên 14 triệu cửa hàng, 9.000 chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid-19. Ngay cả người nông dân cũng nhanh chóng bắt nhịp với cuộc chơi khi hiện có khoảng 5,2 triệu hộ nông dân mở cửa hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử.
Cùng với các tập đoàn lớn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường, tạo nên cuộc chiến giành thị phần, trong đó cạnh tranh về giá trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng nhận định, chưa bao giờ nền kinh tế số và thương mại điện tử lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống từ sản xuất, kinh doanh, đến tiêu dùng như hiện nay.
Tuy nhiên, đằng sau "bức tranh" tăng trưởng ấn tượng của ngành thương mại điện tử là câu chuyện buồn của không ít người bán hàng nhỏ lẻ đang chật vật tìm chỗ đứng. Chị Thu Hương, chủ một shop quần áo nhỏ trên một sàn thương mại điện tử lớn, chia sẻ: Mỗi ngày mở ứng dụng lên, thấy hàng trăm shop mới mọc lên với đủ các kiểu khuyến mại để cạnh tranh, khiến chị cảm thấy vô cùng áp lực.
Ngoài ra, anh Nguyễn Văn An, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng trên sàn thương mại điện tử, cũng đang phải đối mặt với "cơn ác mộng" vì không hiểu rõ về các quy định thuế. Khi bị cơ quan thuế truy thu một khoản tiền lớn, anh phải dùng hết tiền vốn bán hàng để trả nên không còn tiền nhập hàng và trả lương nhân viên. Bên cạnh đó, anh còn phải đối đầu với các thương hiệu lớn, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng. "Giấc mơ xây dựng một thương hiệu vững chắc trên sàn thương mại điện tử của tôi cũng lung lay từ đây", anh An ngậm ngùi.
Cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường thương mại điện tử phát triển |
Hỗ trợ để xóa những câu chuyện buồn
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp, cách tiếp cận của Shopee là hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội và các cơ sở sản xuất nhằm hướng dẫn hiệu quả, cập nhật các phương thức kinh doanh, cách tiếp thị và công cụ vận hành hiệu quả nhất. Đồng thời, cần tạo sự liên kết với các chuỗi cung ứng, nhà sản xuất, nhà phân phối, kho bãi...
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh khẳng định, Chính phủ cùng các bộ, ngành luôn nỗ lực xây dựng khuôn khổ pháp lý để thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh, lành mạnh và bền vững. Để đạt được điều đó, cần cân bằng tất cả các yếu tố tham gia thị trường giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Gợi mở giải pháp để các chủ thể kinh doanh trên sàn thương mại điện tử thuận lợi hơn, ông Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam có tiềm lực từ thị trường nội địa với nguồn nhân lực có kỹ năng. Đó là lý do Shopee đang tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất, phát triển từ thị trường nội địa rồi vươn ra thế giới. Đồng thời, Shopee cũng hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa có hàm lượng sản xuất tại Việt Nam cao, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, nhất là trong cao điểm mùa vụ.
Để thực hiện được điều này, đại diện một sàn thương mại điện tử mong muốn các cơ quan chức năng có cơ chế hỗ trợ giúp doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận, tạo ra các sản phẩm, phương thức kinh doanh thương mại điện tử mới. Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường thương mại điện tử.