Thị trường hàng hóa: Dòng tiền đầu tư ‘chảy chậm’ trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh
[Infographic] Xuất nhập khẩu hàng hóa kỳ 1 tháng 12/2024 Lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa thế giới tuần trước lễ Giáng sinh |
Đáng chú ý, toàn bộ 5 mặt hàng nhóm năng lượng đồng loạt giảm giá, trong đó giá dầu WTI giảm phiên thứ ba liên tiếp. Ở chiều ngược lại, nhóm nguyên liệu công nghiệp ghi nhận tín hiệu tích cực khi có 6 trên 9 mặt hàng tăng giá.
Dòng tiền đầu tư ‘chảy chậm’ trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh |
Giá dầu WTI kéo dài đà giảm sang phiên thứ ba
Đóng cửa ngày đầu tuần, thị trường năng lượng đỏ lửa. Trong đó, giá hai mặt hàng dầu đều suy yếu, giao dịch thưa thớt trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh do lo ngại dư cung năm 2025 và đồng USD mạnh lên.
Khép lại phiên, giá dầu thô Brent giảm 0,32% xuống 69,24 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô WTI giảm 0,43% xuống còn 72,63 USD/thùng.
Trong báo cáo tháng 12, các chuyên gia phân tích của ngân hàng Macquarie dự đoán tình trạng cung dầu dư thừa sẽ ngày càng tăng trong năm tới, điều này kéo giá trung bình của dầu thô Brent từ mức 79,64 USD/thùng trong năm nay có thể chỉ còn 70,5 USD/thùng vào năm sau. Trong khi đó, lo ngại về nguồn cung của châu Âu đã giảm bớt khi sự cố gián đoạn dòng chảy dầu Nga sang các nước châu Âu thông qua đường ống Druzhba đã được giải quyết và khởi động trở lại.
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch hôm qua cũng là do đồng USD hồi phục trở lại quanh mức cao nhất trong hai năm. Điều này khiến cho dầu trở nên đắt hơn đối với các nước nhập khẩu sử dụng đồng tiền khác, dấy lên nguy cơ suy giảm nhu cầu dầu và tạo thêm áp lực giảm giá trong phiên.
Ở chiều ngược lại, đà suy yếu của giá dầu hôm qua đã được cản bớt lại nhờ những động thái gây sức ép lên châu Âu và chính quyền Panama từ phía Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. Theo đó, ông Trump đe dọa áp thuế đối với Liên minh châu Âu (EU) nếu phía EU không gia tăng nhập khẩu dầu khí từ Mỹ, từ đây giúp thị trường thêm kỳ vọng vào nhu cầu dầu gia tăng trong tương lai.
Bên cạnh đó, trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 21/12, ông Trump đã phản đối mức phí cao áp dụng đối với các tàu của Mỹ đi qua kênh đào Panama, đồng thời cho rằng nên chuyển quyền sở hữu kênh đào này về cho Mỹ. Động thái nói trên đã dấy lên lo ngại về sự bất ổn trên tuyến đường vận chuyển dầu mỏ quan trọng này. Tính đến năm 2023, lượng dầu được vận chuyển thông qua kênh đào Panama đạt 2,1 triệu thùng/ngày, tương đương 2% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.
Giá cà phê tăng khi Brazil dự báo giảm sản lượng vụ 2025 - 2026
Theo MXV, kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, nhóm nguyên liệu công nghiệp ghi nhận diễn biến tích cực với phần lớn mặt hàng tăng giá. Trong đó, trên thị trường giá cà phê diễn biến giằng co.
Cụ thể, giá cà phê Arabica tăng 0,69% lên hơn 7.200 USD/tấn, trong khi giá cà phê Robusta chỉ tăng nhẹ 0,12% và dao động quanh mốc 5.000 USD/tấn.
Triển vọng nguồn cung cà phê Brazil niên vụ 2025 - 2026 tiếp tục nhận dự báo kém khả quan từ giới phân tích. Theo Safas & Mercado, tổng sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2025 - 2026 dự kiến đạt 62,45 triệu bao loại 60 kg, giảm 5% so với niên vụ trước. Trong đó, sản lượng cà phê Arabica chỉ đạt 38,25 triệu bao, giảm mạnh 15%, trong khi cà phê Robusta đạt 24,10 triệu bao. Các tổ chức như Volcafe, Expana và Hedegpoint cũng đã hạ dự báo sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2025 - 2026, đặc biệt là dòng cà phê Arabica.
Thời tiết bất lợi tại vùng trồng cà phê Arabica chính của Brazil càng làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung và hỗ trợ giá duy trì ở mức cao. Theo Cơ quan Khí tượng Somar, lượng mưa tại Minas Gerais, bang sản xuất cà phê Arabica lớn nhất Brazil, trong tuần trước chỉ đạt 43,2 mm, thấp hơn 17% so với trung bình lịch sử.
Tuy nhiên, đà tăng của giá cà phê trong phiên hôm qua bị kìm hãm do tỷ giá USD/BRL tăng cao. Chỉ số Dollar Index mạnh lên cùng với đồng Real Brazil suy yếu đã đẩy tỷ giá USD/BRL tăng 1,78%. Chênh lệch tỷ giá này có thể thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các nhà sản xuất Brazil.
Hoạt động kinh doanh cà phê tại Brazil vẫn duy trì đà tích cực nhờ mặt bằng giá cao và nhu cầu quốc tế ổn định. Safras & Mercado cho biết doanh số bán cà phê Brazil niên vụ 2024 - 2025 tính đến ngày 11/12 đã đạt 79% sản lượng dự kiến, vượt 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn 6 điểm phần trăm so với mức trung bình 5 năm. Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), ghi nhận xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm 2024 đạt kỷ lục 46,4 triệu bao, tăng 3,78% so với kỷ lục trước đó vào năm 2020 và tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (24/12) ghi nhận ở mức 120.500 - 121.300 đồng/kg, giá không đổi so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá cà phê hiện đã tăng gấp đôi.