Thị trường ô tô Việt “thức giấc” sau kỳ nghỉ hè
Doanh số toàn thị trường ô tô tăng trở lại |
Doanh số tăng trở lại
Trong tháng 6/2022, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước đã hết hạn khiến nhu cầu mua xe của khách hàng giảm mạnh. Trong khi đó, tình trạng khủng hoảng chất bán dẫn và thiếu chip leo thang chưa được khắc phục khiến cho các nhà sản xuất ô tô liên tục phải cắt giảm sản lượng, ảnh hưởng đến doanh số bán xe trên thị trường. Trong tháng 6/2022, chỉ có 25.159 xe được bán ra, giảm 42% so với tháng trước.
Tuy nhiên, không "nghỉ hè" quá lâu, theo số liệu của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường lên 30.254 xe trong tháng 7, tăng hơn 20% so với tháng 66 và tăng tới 88% so với cùng kỳ 2021.
Sau 7 tháng đầu năm 2022, toàn thị trường bán ra 232.094 xe, tăng 39% so với cùng kỳ 2021; ước tính trung bình mỗi ngày người Việt mua gần 1.100 ô tô.
Trong đó, tính riêng tháng 7, Trường Hải đã tiêu thụ 8.721 xe, Toyota tiêu thụ 5.565 xe, Tập đoàn Thành Công tiêu thụ được 5.792 xe Hyundai, VinFast tiêu thụ được 2.137 xe; tổng lượng tiêu thụ xe của 4 doanh nghiệp này trong 7 tháng đầu năm lần lượt là 83.201 xe, 48.650 xe, 42.189 xe và 16.832 xe.
Cũng vì số lượng xe tiêu thụ tăng cao nên thị phần của các hãng xe ô tô tại thị trường Việt Nam đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, con số trên chưa phản ánh toàn bộ thị trường vì có một số hãng xe khác như Audi, Mercedes-Benz, Subaru, Jaguar, Land Rover, Nissan, Volkswagen, Volvo… thường không công bố doanh số.
Nguồn cung tăng và nhiều khuyến mại
Theo một số chuyên gia, lượng tiêu thụ ô tô tăng trở lại đều nhờ vào nguồn cung xe tốt hơn, nhiều xe mới có thể giao sớm trước khi bước vào tháng 7 âm lịch, vì nhiều người dân quan niệm tránh mua sắm các tài sản lớn như ô tô trong tháng Ngâu...
Trong tháng 7 đã ghi nhận mức tăng cao về nguồn cung xe ô tô lắp ráp trong nước và nhập khẩu. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tháng 7/2022 ước đạt 34.200 xe, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, ước tính có tới 17.000 chiếc ô tô nguyên chiếc được nhập về Việt Nam trong tháng 7 với tổng giá trị kim ngạch ước đạt 312 triệu USD. Như vậy, trong tháng 7 đã có tổng cộng khoảng 51.200 xe mới được bổ sung vào nguồn cung, bao gồm cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, tăng 8,4% so với tháng 6.
Anh Nguyễn Trung Hiếu, chủ doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô cho biết sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp lắp ráp đã đi vào ổn định sản xuất; cuộc khủng hoảng thiếu chip bán dẫn, linh kiện sản xuất trên toàn cầu cũng đang dần được giải quyết khiến sản lượng xe được xuất xưởng tăng cao. Nhờ đó, “cơn khát” xe trên thị trường được giải tỏa, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh số của các hãng xe và đại lý.
Tuy nhiên, hiện nhu cầu mua sắm phương tiện của người dân và doanh nghiệp vẫn đang cao hơn so với khả năng cung ứng của nhà sản xuất và nhập khẩu nên cơ hội rất rộng mở.
Bên cạnh đó, đối mặt với nguy cơ “ế” khách, sụt giảm doanh số vì tháng Ngâu, một số mẫu xe đang được các đại lý giảm giá, tập trung nhiều vào phân khúc xe sedan hạng B.
Đơn cử, mẫu Hyundai Accent đang được đại lý giảm giá mạnh đối với các phiên bản số tự động, riêng các phiên bản AT có mức giảm khoảng 12 triệu đồng tùy từng đại lý. Tương tự, mẫu Toyota Vios phiên bản G được giảm 25 triệu đồng, phiên bản E MT và E CVT cũng được giảm 15 triệu đồng. Đặc biệt, Honda CR- V được ưu đãi lên đến 70 triệu đồng, mẫu Honda City cũng đang được ưu đãi từ 17-30 triệu đồng bằng tiền mặt hoặc phụ kiện...
Mặc dù nguồn cung ứng tăng và nhiều ưu đãi nhưng nhận định về thị trường ô tô Việt thời gian tới, nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng cơ hội tăng trưởng thị trường sẽ dần "cạn" vì nhiều thách thức và biến động: Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn còn căng thẳng thì tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được xử lý triệt để; giá nguyên vật liệu tăng, giá xăng dầu không giữ được đà giảm, lạm phát đã trở thành rủi ro hiện hữu và người tiêu dùng sẽ rất cân nhắc khi phải chi một khoản tiền lớn để mua ô tô...