Thị trường ôtô Việt: Nhiều mẫu xe đồng loạt tăng giá bán
Theo ghi nhận, trong tháng Tư, nhiều hãng ôtô thông báo kế hoạch tăng giá bán hàng loạt các mẫu xe từ 5-40 triệu đồng.
Mới nhất, Suzuki Việt Nam thông báo điều chỉnh giá xe Suzuki Ertiga, Swift, Ciaz theo hướng tăng nhẹ từ 5,9-10 triệu đồng.
Theo đó, Suzuki Ertiga Sport tăng giá từ 559,9 triệu đồng lên 568,9 triệu đồng (tăng 9 triệu đồng); Suzuki Swift GLX có giá 549,9 triệu đồng đã tăng thêm 10 triệu đồng; Suzuki Ciaz tăng từ 529 triệu đồng tăng lên 534,9 triệu đồng (tăng 5,9 triệu đồng).
Động thái tăng giá lần này của Suzuki khá khó hiểu bởi các mẫu xe kể trên có doanh số khá “đuối” tại thị trường Việt. Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) trong 2 tháng đầu năm 2022, Suzuki Ertiga chỉ bán ra vỏn vẹn 138 xe, giảm 102 xe so với cùng kỳ năm ngoái; còn Suzuki Swift đạt 172 xe bán ra thị trường. Riêng mẫu xe Ciaz thì nhiều tháng nay có doanh số bằng 0.
Bên cạnh "người đồng hương" Suzuki, Toyota Việt Nam cũng dự kiến áp dụng bảng giá mới từ ngày 1/5. Trong đó, tăng cao nhất là Toyota Land Cruiser và Toyota Alphard (tăng 40 triệu đồng), thấp nhất là Toyota Vios (tăng 5 triệu đồng). Mẫu xe ăn khách Toyota Corolla Cross tăng tới 16 triệu đồng. Đây cũng là lần thứ hai Corolla Cross tăng giá kể từ đầu năm tới nay.
Ngoài ra, hãng xe Ford cũng đã tăng giá 2 mẫu Everest và Ranger khoảng 12 triệu đồng; Kia tăng giá các mẫu Kia K3, Sonet và Seltos từ 5-10 triệu đồng... Ở phân khúc xe sang, Mercedes-Benz cũng đã tăng giá một số mẫu GLC, GLS cao nhất khoảng 70 triệu đồng.
Bên cạnh việc tăng giá, một số mẫu xe bán chạy như Hyundai Tucson, Hyundai SantaFe, Toyota Raize, Veloz… hiện đang bán “bia kèm lạc”. Cụ thể, nếu khách hàng muốn mua Toyota Veloz thời điểm hiện tại, đại lý sẽ “gợi ý” khách mua thêm phụ kiện trị giá 30-50 triệu đồng để giao sớm, nếu không phải chờ đến cuối năm mới có xe...
Lý giải cho nguyên nhân tăng giá xe, anh Bùi Vượng, chuyên viên bán hàng một đại lý ôtô Nhật tại Hà Nội cho biết một số mẫu xe rơi vào tình trạng cháy hàng do chưa kịp tạo nguồn cung để phục vụ khách trong khi lượng đơn đặt hàng vẫn ngày một tăng.
“Cung thấp hơn cầu cùng với việc nguyên liệu đầu vào bị đội giá do thiếu link kiện, chất bán dẫn khiến chi phí vận tải cũng tăng cao nên các đại lý buộc phải điều chỉnh giá”, anh Vượng cho hay.