Thị trường tài chính tiền tệ tiếp tục xu hướng ổn định
Tín dụng tiếp tục cải thiện
Về thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng, việc tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác đã góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024 bình quân khoảng 4-4,5%, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Trong đó, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. Trên cơ sở theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, duy trì chào mua giấy tờ có giá hàng ngày với khối lượng, kỳ hạn phù hợp cũng như tiếp tục phát hành tín phiếu, thanh toán lượng tín phiếu đến hạn để tiếp tục hỗ trợ điều tiết thanh khoản, góp phần giảm lãi suất thị trường, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ. Từ tháng 8/2024 đến nay, đã có 2 lần giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá từ mức 4,5%/năm xuống 4,25%/năm (ngày 5/8/2024) và xuống 4,0%/năm (ngày 16/9/2024). Tại một số thời điểm, tỷ giá chịu áp lực lớn, đã thực hiện phát hành tín phiếu NHNN để hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
Về điều hành tín dụng, trên cơ sở định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến tình hình thực tế, chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống được cải thiện so với năm trước. Đến ngày 8/11/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,21% so với cuối năm 2023, tăng 16,86% so với cùng kỳ năm 2023.
Đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực: (i) Chương trình cho vay lãi suất ưu đãi đối với chủ đầu tư, người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, hiện nay đã có 09 ngân hàng đăng ký tham gia với tổng số tiền là 145.000 tỷ đồng; Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (quy mô ban đầu là 15.000 tỷ đồng, sau nâng lên thành 30.000 tỷ đồng và hiện quy mô đã lên tới 60.000 tỷ đồng); (iii) Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg.
Trước ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi), ngànhNngân hàng đã tích cực và kịp thời triển khai ngay các giải pháp góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại. Đến nay, đã có 35/40 ngân hàng thông báo và công bố quy mô hỗ trợ 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất, trong đó dành khoảng 300.000 tỷ đồng cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh. Mức giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu từ 0,5% - 2%/năm, mức lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới ngắn hạn từ 5%- 6,7%, trung dài hạn từ 5,5% - 8%/năm.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Mặt bằng lãi suất, tỷ giá có nhiều sức ép tăng
Về điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế; đồng thời, chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng, cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép tăng trong thời gian tới do: (1) Lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua và đang có dấu hiệu tạo đáy (năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm và tính đến 31/10/2024 tiếp tục giảm 0,66%/năm so với cuối năm 2023); (2) Mặt bằng lãi suất tiền gửi đã có xu hướng tăng trở lại, nhiều NHTM đã tăng lãi suất tiền gửi nhằm giữ thị phần và để thu hút nguồn tiền gửi; (3) Nhu cầu vốn tín dụng có xu hướng tiếp tục tăng thời gian tới sẽ áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.
Về điều hành tỷ giá, trong quý III/2024, tỷ giá có xu hướng giảm nhờ tâm lý thị trường cải thiện với kỳ vọng Fed đẩy nhanh lộ trình hạ lãi suất, USD quốc tế hạ nhiệt, cân đối cung cầu cải thiện so với đầu năm và các biện pháp ổn định thị trường của NHNN. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, tỷ giá có xu hướng tăng do áp lực quốc tế và trong nước quay trở lại.
Trong bối cảnh đó, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để hạn chế áp lực tỷ giá; đồng thời, trong những giai đoạn áp lực, thực hiện bán ngoại tệ cho các TCTD để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường nhằm phục vụ các nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, hợp lệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt, phù hợp; mức mất giá của VND phù hợp với xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.
Tính đến ngày 27/11/2024, chỉ số giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 105,47 điểm, tăng 2,52% so với tháng trước do các kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và dữ liệu kinh tế Mỹ tích cực, cùng với căng thẳng địa chính trị leo thang ở một số khu vực đã làm tăng nhu cầu đối với đồng USD như một tài sản an toàn. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.483 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2024 tăng 1,76% so với tháng trước; tăng 4,22% so với tháng 12/2023; tăng 3,63% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 11 tháng năm 2024 tăng 4,97%.
Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống ATM nhìn chung hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai xác thực sinh trắc học từ nguồn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính đến ngày 1/11/2024, đã có hơn 50 triệu hồ sơ khách hàng được thu nhập, đối chiếu thông tin sinh trắc học, hoạt động thanh toán diễn ra bình thường, góp phần giảm số lượng vụ việc lừa đảo mất tiền của khách hàng.