Xanh hóa khu công nghiệp, thu hút đầu tư xanh
Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc |
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông đã nhấn mạnh điều này trong phát biểu khai mạc Diễn đàn “Giải pháp xanh toàn diện khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc”. Diễn đàn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) tổ chức chiều ngày 9/12.
“Diễn đàn giúp Vĩnh Phúc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển KCN bền vững, KCN xanh, KCN sinh thái gắn với tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước", Chủ tịch Trần Duy Đông phát biểu.
Tại diễn đàn, Chủ tịch VIPFA, TS. Phan Hữu Thắng cho biết, trước đòi hỏi cấp bách của việc cần thực hiện đầu tư phát triển xanh trong giai đoạn tới, nhất là đối với các KCN hiện có và cấp mới, Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ KH&ĐT về mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 40-50% địa phương chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới để từng bước lập kế hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Theo TS. Thắng, để làm được điều này thì tiềm lực tài chính và năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam là rất quan trọng. Cùng với đó là công tác xúc tiến đầu tư phải thực chất, hiệu quả hơn.
TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch VIPFA |
Vĩnh Phúc có lợi thế về vị trí địa lý, về cơ sở hạ tầng, lại nằm sát trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Thủ đô Hà Nội. Nhưng Chủ tịch VIPFA cũng cho rằng, không phải vì có các lợi thế đó mà Vĩnh Phúc không tính đến các giải pháp đột phá để thu hút đầu tư nước ngoài và sử dụng nguồn ngoại lực này hiệu quả nhất trong giai đoạn Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, như cách Vĩnh Phúc đã rất thành công trong giai đoạn đầu tiên Việt Nam mở cửa gọi vốn đầu tư nước ngoài cách đây trên 30 năm với các dự án quan trọng ban đầu của Honda, Toyota từ Nhật Bản...
Dự báo về sự xuất hiện của làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang kéo theo nhu cầu lớn về thuê mặt bằng trong các KCN. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương rà soát các KCN để chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn sàng đón sóng đầu tư nước ngoài mới.
TS. Phan Hữu Thắng nhận định, đây là cơ hội lớn của Việt Nam. Các địa phương Việt Nam cần chuẩn bị quỹ đất sạch, đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, giảm thiểu các thủ tục hành chính trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ hệ thống luật pháp của Việt Nam về đầu tư, kinh doanh... nhằm tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn.
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 Vĩnh Phúc có 28 KCN với diện tích khoảng 4.800 ha và đến năm 2050 có 29 KCN với diện tích trên 5.500 ha. Trong đó, sẽ ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch, như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.
Cùng với đó, mục tiêu của tỉnh Vĩnh Phúc đến 2030 trở thành đô thị loại 1, hạt nhân trong vùng kinh tế phía Bắc Việt Nam, là một trong những trung tâm kinh tế lớn của Vùng thủ đô Hà Nội và cả nước với các ngành chủ đạo là công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đào tạo - khoa học và du lịch - nghỉ dưỡng trung tâm văn hóa, đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như cả nước và quốc tế.
“Chúng tôi nhận thức rằng, doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển; thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh. Vĩnh Phúc cam kết sẵn sàng về mặt bằng sạch, sẵn sàng về điện, nước, viễn thông, sẵn sàng về nguồn nhân lực và sẵn sàng cung cấp thủ tục hành chính nhanh gọn và thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh tại tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông khẳng định.
Tại Diễn đàn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư Dự án hạ tầng KCN tại tỉnh Vĩnh Phúc của Công ty TNHH Khu Công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc và Dự án đầu tư mở rộng Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử bản mạch FBCP/PCB, SMT tại tỉnh Vĩnh Phúc của Công ty TNHH BH Flex Vina. Cùng với đó, trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 1 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI), bao gồm: Tập đoàn UTI Inc (Hàn Quốc) với Dự án Nhà máy UTI VINA tổng vốn đầu tư 35 triệu USD; Công ty TNHH Chính xác M&K (Vương quốc Anh) với Dự án Nhà máy Chính xác M&K Việt Nam, tổng vốn đầu tư 18 triệu USD; Công ty TNHH DKT Vina (Hàn Quốc) với Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, vốn đầu tư 24,9 triệu USD; Công ty CP Prime - Tiền Phong (Thái Lan) với Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch ốp lát, vốn đầu tư 35,5 triệu USD; Công ty TNHH DST Vina 2 (Thái Lan) với Dự án Nhà máy DST VINA 2, vốn đầu tư 27,4 triệu USD; Công ty cổ phần Nhôm Việt Dũng với Dự án Nhà máy Sản xuất vật liệu hoàn thiện Nhôm Việt Dũng, tổng vốn đầu tư 830 tỷ đồng. |