Thông tư 13: Vai trò mới của KTNB trong hệ thống KSNB
Ông Nguyễn Hoàng Nam |
Để tìm hiểu thêm về những sự thay đổi và thách thức mà hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ sẽ đối mặt khi Thông tư 13 chính thức được áp dụng vào ngày 1/1/2019 tới đây, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Nam - Lãnh đạo Tư vấn Dịch vụ Tài chính, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam.
Thưa ông, so với Thông tư 44/2011/TT-NHNN, các yêu cầu mới cho hệ thống kiểm soát nội bộ của Thông tư 13/2018/TT-NHNN áp dụng cho các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là gì?
Thời gian qua, các ngân hàng tại Việt Nam đang cho thấy những bước chuyển biến rõ rệt trên nhiều phương diện. Để quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ, tháng 12/2011 NHNN đã ban hành Thông tư số 44/2011/TT-NHNN để từng bước giúp các ngân hàng xây dựng và thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Nhưng Thông tư 44 còn mang tính khái quát và chưa thật sự đầy đủ, chưa đáp ứng được vai trò thật sự của một hệ thống kiểm soát nội bộ trong hoạt động ngân hàng.
Thông tư 13 được NHNN ban hành vừa qua sẽ góp phần giải quyết được những vấn đề khó khăn trong thực tế xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ cho hoạt động ngân hàng trong thời gian qua. Các quy định trong Thông tư 13 rất cụ thể và rõ ràng, đặc biệt là đã thật sự tiệm cận với các thông lệ quốc tế về việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ.
Theo đó, hệ thống kiểm soát nội bộ được quy định nổi bật theo ba tuyến bảo vệ độc lập nhằm kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro trong hoạt động ngân hàng như sau:
Tuyến bảo vệ thứ nhất có chức năng nhận dạng, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro do các bộ phận nghiệp vụ có liên quan thực hiện; Tuyến bảo vệ thứ hai có chức năng xây dựng chính sách quản lý rủi ro, quy định nội bộ về quản lý rủi ro, đo lường, theo dõi rủi ro và tuân thủ quy định pháp luật; và Tuyến bảo vệ thứ ba có chức năng kiểm toán nội bộ do bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện.
Thông tư 13 cũng quy định hệ thống kiểm soát nội bộ thực hiện 5 chức năng là: giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đầy đủ vốn và kiểm toán nội bộ.
Vai trò mới bộ phận kiểm toán nội bộ trong hệ thống kiểm soát nội bộ để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 13 là gì, thưa ông?
Nhìn chung, bộ phận kiểm toán nội bộ vẫn thực hiện theo các nguyên tắc độc lập, nguyên tắc khách quan và nguyên tắc chuyên nghiệp căn cứ theo các quy định về cơ chế phối hợp, tiêu chuẩn và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nội bộ.
Về nguyên tắc chuyên nghiệp, Thông tư 44 và Thông tư 13 đều có một yêu cầu cụ thể là bộ phận kiểm toán nội bộ phải có ít nhất một kiểm toán viên nội bộ để thực hiện kiểm toán công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ. Theo các quy định mới trong Thông tư 13 về hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ cũng có những thay đổi về nội dung nhằm thực hiện chức năng là tuyến bảo vệ thứ ba của mình.
Theo đó, công việc kiểm toán nội bộ sẽ bao gồm việc kiểm tra, đánh giá độc lập về việc tuân thủ cơ chế, chính sách, quy định nội bộ về hệ thống kiểm soát nội bộ ngân hàng theo quy định của Thông tư 13 bao gồm: giám sát quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và đánh giá nội bộ mức đủ vốn nhằm xác định tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.
Ngoài ra, kiểm toán nội bộ còn thực hiện rà soát, đánh giá độc lập tính thích hợp, tuân thủ quy định của pháp luật của cơ chế, chính sách, quy định nội bộ về hệ thống kiểm soát nội bộ.
Tóm lại, vai trò của kiểm toán nội bộ phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của Ban Lãnh đạo và Ban kiểm soát ngân hàng nhằm giúp ngân hàng đối phó rủi ro và nắm bắt cơ hội trong việc tuân thủ các quy định của luật pháp cũng như giúp cung cấp đầy đủ thông tin hỗ trợ quá trình ra quyết định của Ban Lãnh đạo.
Vai trò của kiểm toán nội bộ cần phải thay đổi từ việc chỉ là “kiểm toán viên” (vai trò đảm bảo) trở thành “cố vấn tin cậy” (vai trò tư vấn và tạo lập giá trị) thông qua việc nâng cao giá trị của hoạt động kiểm toán nội bộ tập trung vào việc đạt được các mục tiêu tuân thủ, tính hiệu quả và tính kinh tế đối với các hoạt động ngân hàng.
Qua đó, các ngân hàng có thể đạt chuẩn thông lệ quốc tế về kiểm toán nội bộ cũng như theo kịp lộ trình triển khai Basel II tại Việt Nam.
Xin ông vui lòng chia sẻ rõ hơn về những thách thức mà bộ phận kiểm toán nội bộ nói riêng và ngân hàng nói chung khi triển khai Thông tư 13?
Thông tư 13 có nhiều quy định mới theo các thông lệ quốc tế. Hiện một số NHTM và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã tiến hành xây dựng và áp dụng mô hình hệ thống kiểm soát nội bộ theo một lộ trình toàn diện và đồng bộ tương thích với lộ trình áp dụng Basel II tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều NHTM sẽ phải tích cực rà soát và xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ theo các quy định mới của Thông tư 13. Từ kinh nghiệm của các ngân hàng đi trước, tôi cho rằng đây không chỉ là vấn đề tuân thủ mà quan trọng hơn là đảm bảo sự an toàn, tồn tại và phát triển của mỗi ngân hàng trong thị trường cạnh tranh ngày nay.
Vì vậy, các NHTM cần xây dựng một lộ trình toàn diện về áp dụng Basel theo Thông tư 41/2006/TT-NHNN và qua đó hệ thống kiểm soát nội bộ cần được xây dựng tương ứng với lộ trình này. Đặc biệt là chức năng kiểm toán nội bộ với vai trò là tuyến bảo vệ cuối cùng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Để chức năng kiểm toán nội bộ được thực hiện theo yêu cầu của Thông tư 13, có hai thách thức quan trọng cần phải lưu ý. Đó là việc thiết kế xây dựng mô hình và đội ngũ vận hành kiểm toán nội bộ. Việc xây dựng mô hình kiểm toán nội bộ cần theo nguyên tắc định hướng rủi ro nhằm kịp thời nhận diện và đánh giá các rủi ro tiềm tàng có khả năng ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu của tổ chức cũng như có thể tập trung và tối ưu hóa nguồn lực vào các rủi ro trọng yếu.
Đồng thời, đội ngũ nhân sự kiểm toán nội bộ cần được xây dựng, đào tạo và chuyển giao kiến thức nhằm nâng cao trình độ và năng lực đội ngũ nhân sự đảm bảo tính độc lập, khách quan và chuyên nghiệp cũng như đẩy mạnh hiệu quả công việc kiểm toán nội bộ để có thể thực hiện tốt vai trò là tuyến phòng thủ cuối cùng trong quản trị rủi ro của ngân hàng, đặc biệt với những yêu cầu mới về giám sát quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và đánh giá mức đủ vốn theo Thông tư 13.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!