Tín dụng chính sách "tiếp lửa" cho thanh niên khởi nghiệp
Sức trẻ nở hoa từ vùng đất đỏ
Đắk Lắk – miền đất đỏ bazan rực nắng, với hơn 494.000 thanh niên, chiếm gần 26% dân số, đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ từ sức trẻ. Tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), câu chuyện của anh Tằng Văn Hếnh, một người từng thuộc diện hộ nghèo, là minh chứng sống động. Năm 2015, nhờ 30 triệu đồng vay từ nguồn vốn ưu đãi, Tằng Văn Hếnh bắt đầu đầu tư để chăm sóc cà phê. Những năm sau, thêm các khoản vay lớn hơn giúp gia đình anh đầu tư mua đất, mở rộng diện tích. Từ một gia đình thiếu thốn, nay vườn cà phê của Tằng Văn Hếnh phủ kín màu xanh hy vọng, cho thu nhập ổn định, giúp thoát nghèo bền vững.
Tìn dúng chính sách giúp nhiều thanh niên vượt khó vươn lên thoát nghèo, trở thành các mô hình làm ăn hiệu quả |
Không riêng anh Hếnh, Y Âu Hđơk ở xã Ea Bông, huyện Krông Ana (Đắk Lắk), cũng tìm được "lối mở" từ chính sách vay vốn ưu đãi. Với 30 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò, chỉ sau một năm, đàn bò từ 2 con tăng lên 4 con, hứa hẹn một lứa bê con đầy triển vọng. "Mỗi con bê bán được 5 triệu đồng, tôi tin rằng cuộc sống sẽ tốt hơn từng ngày," anh Y Âu chia sẻ, ánh mắt ngời sáng hy vọng.
Ông Đào Thái Hoà, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đắk Lắk, hệ thống đoàn thanh niên tại Đắk Lắk không chỉ làm cầu nối đưa nguồn vốn tín dụng đến với thanh niên mà còn đồng hành cùng các bạn trẻ trong từng bước khởi nghiệp. Đến nay, tổng dư nợ do Đoàn thanh niên quản lý đã gần 1.455 tỷ đồng, hỗ trợ 32.168 hộ vay vốn. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã có nhiều thanh niên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lực lượng đoàn viên, thanh niên tại địa phương. Đặc biệt, các tổ tiết kiệm và vay vốn tại đây hoạt động hiệu quả, với 97,8% tổ xếp loại tốt.
Chính những con số trên là "mạch nguồn" nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, giúp nhiều thanh niên thoát nghèo và tiến xa hơn trên con đường làm giàu. Ngoài nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, Đoàn thanh niên tỉnh Đắk Lắk còn tìm kiếm nhiều nguồn vốn từ các kênh khác để đầu tư cho các thanh niên khởi nghiệp. Điển hình như tại huyện Cư M’gar, phong trào Quỹ Khởi nghiệp do Huyện Đoàn phát động đã huy động được 270 triệu đồng. Số tiền đã hỗ trợ 25 thanh niên vay vốn xây dựng các mô hình kinh tế.
Nhiều thanh niên đã thành công từ nguồn vốn này. Đơn cử như anh Y Phăng Mlô, một thanh niên khuyết tật ở xã Ea H’đing. Nhờ 20 triệu đồng từ Quỹ Khởi nghiệp, Y Phăng Mlô mở cơ sở đúc chậu cây cảnh. Những chậu cảnh mang dấu ấn sáng tạo của Y Phăng Mlô không chỉ được khách hàng địa phương ưa chuộng mà còn giúp gia đình anh đạt thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm.
Vượt khó để thành công
Mỗi câu chuyện khởi nghiệp tại Đắk Lắk đều là một bức tranh đầy màu sắc của sự nỗ lực và sáng tạo. Anh Vũ Việt Dũng ở huyện Cư M’gar, đã chuyển từ ý tưởng thành mô hình nhà lưới trồng nấm với quy mô 1,5ha. Từ những ngày đầu với khoản vay 50 triệu đồng, đến nay anh Dũng xây dựng cơ sở sản xuất phôi nấm và nấm tươi có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. "Nấm không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là niềm tự hào. Bởi nấm giúp tôi có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương," anh Dũng chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở những mô hình thành công đơn lẻ, các cấp đoàn thanh niên tại Đắk Lắk còn tổ chức nhiều chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ những buổi hội thảo đến các lớp đào tạo nghề, đoàn viên thanh niên không chỉ học hỏi kỹ năng mà còn tìm thấy cảm hứng để sáng tạo. Chỉ riêng năm 2023, đã có 235 thanh niên tham gia các buổi tập huấn và hướng nghiệp.
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở việc cung ứng vốn vay, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề ra kế hoạch xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, |
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở việc cung ứng vốn vay. UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề ra kế hoạch xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức Ngày hội khởi nghiệp, và phát triển các không gian khởi nghiệp. Qua đó, đẩy mạnh thực hiện công tác hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Những hoạt động này đã tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên khởi nghiệp và hướng đến mục tiêu kết nối vùng Tây Nguyên với cả nước.
Từ những giọt mồ hôi trên đồng ruộng đến những ý tưởng sáng tạo trong nhà lưới, thanh niên Đắk Lắk chứng minh rằng khởi nghiệp là ước mơ, là con đường thực tế để thay đổi cuộc đời. Những chương trình hỗ trợ thiết thực từ các cấp đoàn thanh niên, chính quyền địa phương và nguồn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai đã, đang và sẽ tiếp tục làm "ngọn hải đăng" soi sáng đối với hành trình khởi nghiệp của thế hệ trẻ. Trên mảnh đất bazan màu mỡ, những hạt giống hy vọng đã được gieo trồng và bắt đầu đơm hoa kết trái…