Tín dụng hỗ trợ xuất khẩu thủy sản
NHNN yêu cầu các TCTD nghiêm túc triển khai công tác tín dụng, lãi suất | |
Độ phủ thông tin tín dụng ngày càng được cải thiện |
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, ngân hàng có nhiều chương trình tín dụng cho các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản. Mặc dù hạn mức tín dụng của Agribank trong năm 2022 được phép tăng trưởng 10,5%, ngân hàng vẫn dành ra 2.000 tỷ đồng vốn tín dụng lãi suất ưu đãi cho vay bà con nông dân trên toàn quốc. Đây là một trong những nỗ lực không nhỏ của Agribank, bởi hiện vốn điều lệ của ngân hàng này chưa được tăng lên mức phù hợp với quy mô hoạt động. Hiện Agribank vừa cho vay vừa phải lo giữ các tỷ lệ an toàn.
Chế biến thủy sản xuất khẩu được ngân hàng cho vay hỗ trợ lãi suất. |
Cùng với Agribank, Vietcombank là ngân hàng có thế mạnh cho vay và cung cấp các sản phẩm tài trợ xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.
Ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, năm 2022 tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này sẽ đạt hơn 18% và một tỷ lệ không nhỏ trong số vốn tín dụng cung ra thị trường của ngân hàng dành cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ hải sản.
Ngoài ra, nhiều NHTMCP khác như ACB, LienVietPost Bank... cũng tham gia rất mạnh vào lĩnh vực tài trợ thương mại cho ngành nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản.
Theo thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) tính đến tháng 12/2022, dư nợ tín dụng ngành thủy sản đạt trên 209.100 tỷ đồng, tăng khoảng 11% so với cuối năm 2021 và chiếm khoảng 23,5% dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản; trong đó dư nợ tập trung phần lớn vào chi phí khai thác, nuôi trồng thủy sản (chiếm 43% dư nợ ngành thủy sản). Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra đạt trên 36.500 tỷ đồng, tăng 12,3% so với 31/12/2021, chiếm gần 18% tổng dư nợ cho vay thủy sản toàn quốc. Tương tự, dư nợ cho vay tôm đạt trên 51.200 tỷ đồng, tăng 16,12% so với 31/12/2021 và chiếm gần 25% tổng dư nợ cho vay thủy sản toàn quốc.
Thực tế trên cho thấy, hiện nay các ngân hàng đang là nguồn cung vốn chủ lực cho ngành nông, thủy sản; và các doanh nghiệp cũng tận dụng tốt những chính sách ưu đãi của ngành Ngân hàng, như chính sách lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND không quá 5,5%/năm đối với 5 nhóm ngành ưu tiên (nông nghiệp nông thôn nông dân, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao). Trong đó, lĩnh vực thủy sản có nông hộ, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng chính sách lãi suất lĩnh vực ưu tiên phát triển của nền kinh tế.
Lĩnh vực nông thủy sản hiện nay còn được hỗ trợ tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn trong hoạt động đầu tư với lãi suất ưu đãi theo Nghị định 55/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, các NHTM đã, đang tích cực triển khai các chương trình tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực và chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.
Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú - một doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trong ngành tôm xuất khẩu của Việt Nam - cho biết cuối năm 2022, mặc dù lãi suất huy động trên thị trường tăng cao nhưng các ngân hàng vẫn duy trì lãi suất cho vay ở mức rất hợp lý. Ông Quang mong muốn ngành Ngân hàng tiếp tục giữ ổn định lãi vay để doanh nghiệp mua hết lượng tôm trong dân, do hiện nay lượng hàng tôm tồn kho ở các kho ở thị trường Mỹ, Úc, EU dự tính phải bán đến giữa năm 2023 mới hết.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành VietinBank khẳng định, ngân hàng sẵn sàng cung cấp vốn phù hợp với nhu cầu thị trường và giữ ổn định lãi suất. Tuy nhiên, dự báo năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn. Vì vậy ông Dũng đề nghị doanh nghiệp, đặc biệt là ngành thủy sản phải quản lý, kiểm soát tốt hàng tồn kho để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Điển hình như ngành tôm, hiện nay lượng tồn kho lớn, trong khi trên thị trường xuất khẩu lại do Ecuado và Ấn Độ định giá mặt hàng tôm chứ không phải Việt Nam.
Tại Hội nghị về giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị trong ngành Ngân hàng đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn cho vay và lãi suất hợp lý. Theo đó, các TCTD phải chủ động tiếp cận người dân, doanh nghiệp thuộc ngành hàng nông, thủy sản để đánh giá về nhu cầu tín dụng nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn để hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản; Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng. Đặc biệt là khi triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, NHNN địa phương phải theo dõi sát tình hình thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn, đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng phục vụ thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương, không để xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản do thiếu vốn ngân hàng... |