TP.Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh cải cách hành chính
Sở Nội vụ TP.HCM vừa công bố chỉ số cải cách hành chính của sở, ban, ngành, UBND TP.Thủ Đức, quận, huyện trên địa bàn TP.HCM năm 2021. Theo đó, chỉ số cải cách hành chính ở khối sở, ban, ngành có 22/26 đơn vị xếp loại tốt, 4/26 đơn vị xếp loại khá. Cụ thể, Sở Tư pháp xếp hạng 1 với 95,06 điểm; kế đến lần lượt là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra TP.HCM... Vị trí cuối bảng xếp hạng là Sở Văn hóa - Thể thao với 75,04 điểm. Vị trí áp cuối là Sở Xây dựng.
Ở khối UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức có 19/22 đơn vị xếp loại tốt, 3/22 đơn vị xếp loại khá. Cụ thể, dẫn đầu là UBND quận Bình Tân với 94,27 điểm; kế đến lần lượt là UBND quận 10, quận 1, quận 6, Tân Bình, Phú Nhuận... Đứng cuối bảng là quận 7 với 78,82 điểm. Ngoài ra, ở khối cơ quan ngành dọc có 7/7 đơn vị xếp loại tốt; trong đó đứng đầu là Công an thành phố với 91,54 điểm.
Cải cách hành chính phải mang đến kết quả thực chất, tác động tích cực và sâu rộng đến mọi đối tượng |
Theo Sở Nội vụ TP.HCM, chỉ số cải cách hành chính được tính trên các lĩnh vực gồm cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách bộ máy, chế độ công vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa chính quyền điện tử, tài chính công. Bên cạnh đó, chỉ số cải cách hành chính cũng cộng dồn từ công tác khảo sát sự hài lòng của người dân từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính TP.HCM cho biết, bên cạnh những nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng dịch Covid-19, một số đơn vị vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác cải cách hành chính do bị động trong thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch của thành phố và đơn vị. “Cải cách hành chính phải tác động tích cực và sâu rộng đến mọi đối tượng, đặc biệt là mục đích phục vụ và đạt được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”, ông Nhân khẳng định.
Giải thích về kết quả đánh giá, ông Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng Phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ TP.HCM) cho biết thêm, chỉ số cải cách trải trên 7 lĩnh vực: công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Nhìn nhận về kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính năm 2021, ông Nhân cho rằng đây là kết quả tốt, được đánh giá khách quan nhưng vẫn chưa tỷ lệ thuận với sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, ông Nhân yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải xác định trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính; trực tiếp chỉ đạo và theo dõi công tác cải cách hành chính. Các đơn vị cần tăng cường kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy tắc ứng xử và thực thi công vụ; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân... Bên cạnh đó, sở, ngành với nhau và sở, ngành với các quận, huyện, TP.Thủ Đức cần làm tốt công tác phối hợp với nhau, trong đó coi trọng giải quyết vấn đề của người dân, doanh nghiệp về đất đai, quy hoạch, xây dựng, cấp phép đầu tư… Trong năm 2022, TP.HCM sẽ ban hành quy chế phối hợp, trong đó quy định trách nhiệm của người đứng đầu.
"Thành ủy, UBND TP.HCM xác định tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính đối với sự phát triển của thành phố. Cải cách hành chính phải mang đến kết quả thực chất, tác động tích cực và sâu rộng đến mọi đối tượng, đặc biệt là mục đích phục vụ và đạt được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp" - ông Huỳnh Thanh Nhân nói.