Ứng dụng công nghệ Blockchain: Không thể vội vàng
Hiện nay, làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến nhiều công nghệ mang tính đột phá trong phần lớn các lĩnh vực. Blockchain là một trong những công nghệ tiên phong, được coi là một “chìa khóa” trong quá trình chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin cho tương lai.
Ứng dụng đầu tiên và tiêu biểu nhất của công nghệ Blockchain là xây dựng nền tảng thanh toán phi tập trung nhanh chóng, tiện lợi và bảo mật thông qua việc sử dụng hệ thống sổ cái phân tán mã hóa. Công nghệ Blockchain đầu tiên được sử dụng hỗ trợ cho đồng tiền ảo Bitcoin, tuy nhiên theo thời gian thì tiềm năng của công nghệ này ngày càng được khám phá nhiều hơn và phạm vi ứng dụng phát triển vượt ra ngoài biên giới của tiền kỹ thuật số.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Đại diện Nhóm nghiên cứu cho biết, đề tài tập trung vào nghiên cứu các nội dung: Phân tích, đánh giá hiện trạng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và các hạn chế cần khắc phục để phát triển; tìm hiểu, phân tích công nghệ Blockchain so với các công nghệ khác ứng dụng trong thanh toán điện tử liên ngân hàng; nghiên cứu, đề xuất mô hình, các cải tiến quy trình nghiệp vụ để ứng dụng công nghệ Blockchain trong thanh toán điện tử liên ngân hàng tại Việt Nam.
Ông Vũ Công Hùng, Cục Công nghệ thông tin, cho biết, được đưa vào hoạt động từ năm 2002 đến nay, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Việt Nam đã có nhiều bước phát triển, bổ sung nhiều tính năng, dịch vụ mới, cải tiến nghiệp vụ và hiệu năng xử lý. Tuy nhiên, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng thực tế vẫn tồn tại một số hạn chế.
Đơn cử như chưa đảm bảo khả năng thanh toán realtime (theo thời gian thực) và end-to-end (thiết bị đầu cuối). Cùng với đó là giới hạn số lượng giao dịch xử lý, hệ thống này giới hạn khoảng 600 nghìn giao dịch trong một ngày, trong khi số lượng giao dịch các hệ thống khác áp dụng cơ chế bù trừ có thể lên tới hàng triệu, hàng chục triệu giao dịch mỗi ngày.
Tiếp theo là chưa có khả năng hoạt động 24/7/365 trong khi ngày nay khi giao dịch online diễn ra cả ngày lẫn đêm, yêu cầu về thời gian cung cấp dịch vụ 24/7 đã là yêu cầu cấp thiết đối với các hệ thống thanh toán.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin trao đổi về kết quả nghiên cứu. |
Thực tế, công nghệ Blockchain đã phát triển mạnh trong nhiều năm gần đây và vẫn đang tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng các ứng dụng khác nhau, là một công nghệ mới hứa hẹn tăng khả năng sẵn sàng, giảm chi phí trung gian, tăng tốc độ vận hành, đảm bảo an toàn dữ liệu cho các hệ thống công nghệ thông tin.
Nhận thấy tiềm năng của công nghệ Blockchain, nhiều quốc gia đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này vào các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như mô hình Dự án Japer của Canada và Dự án Ubin của Singapore thử nghiệm cho thanh toán bán buôn; Dự án Bakong của Campuchia và Dự án E-Krona của Thụy Điển thử nghiệm cho thanh toán bán lẻ.
Thông qua việc nghiên cứu tình hình triển khai của các mô hình này, đại diện Nhóm nghiên cứu cho biết có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm dành cho Việt Nam, đó là: Việc ứng dụng công nghệ Blockchain cần tích hợp với hệ thống hiện có, đồng thời phải đánh đổi lợi ích, muốn bảo vệ quyền riêng tư thì hy sinh việc đồng bộ công khai toàn bộ dữ liệu mà khi không đồng bộ công khai toàn bộ thì khả năng phục hồi khi sự cố xảy ra cũng trở nên phức tạp hơn.
Hơn nữa, với mạng Blockchain công khai, chi phí vận hành rẻ, không ai phải tham gia vào việc quản lý, vận hành, người dùng chịu trách nhiệm với hệ thống nhưng sẽ phát sinh các câu hỏi về trách nhiệm khi xảy ra rủi ro.
Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ Blockchain mang lại. Đơn cử như về rủi ro tín dụng, đối với mô hình kiến trúc trung tâm thì sẽ phụ thuộc vào cơ chế quyết toán, khắc phục bằng tài sản đảm bảo cho hạn mức nhưng đối với kiến trúc Blockchain nguyên bản và Blockchain cải tiến thì quyết toán tức thời, vì vậy không có rủi ro tín dụng.
Ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng phát biểu tại Hội nghị. |
Về chi phí đối với người dùng, đối với kiến trúc trung tâm sẽ phải vận hành, quản lý, giám sát tài sản đảm bảo. Đối với kiến trúc Blockchain nguyên bản sẽ không phát sinh chi phí quản lý còn Blockchain cải tiến thì có chi phí vận hành, nâng cấp.
Dựa trên những nghiên cứu về ưu điểm, hạn chế khi ứng dụng công nghệ Blockchain, theo Nhóm nghiên cứu, việc đề xuất mô hình ứng dụng công nghệ Blockchain trong hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng phải đạt được các mục tiêu như: Mở rộng phạm vi xử lý, cho phép các tổ chức trung gian thanh toán tham gia mạng lưới thanh toán điện tử liên ngân hàng với vai trò là các nút phát sinh/khởi tạo lệnh thanh toán; hoạt động liên tục (24/7); cho phép các ngân hàng thành viên tự quyết định thời điểm hạch toán, quyết toán.
Về mặt cơ sở hạ tầng hệ thống, cần chuyển đổi thiết kế mô hình sang phân tán để tránh rủi ro điểm chịu lỗi duy nhất (single-point-of-failure); thiết kế cơ chế đồng thuận phân tán để đẩy nhanh tốc độ xử lý giao dịch thanh toán, góp phần đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn giữa các TCTD. Về công tác quản lý, điều hành, cần cung cấp các công cụ cho phép việc kiểm soát, giám sát hệ thống thanh toán tốt hơn.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, tại Việt Nam đã có khá nhiều ngân hàng ứng dụng công nghệ Blockchain trong phát hành thư tín dụng (LC), còn trên thế giới công nghệ này đã được nhiều quốc gia quan tâm nhưng chỉ mới dừng ở mô hình thử nghiệm. Một trong những rào cản khi triển khai ứng dụng Blockchain là quyền riêng tư của từng cá nhân, nhưng thực tế thời điểm này đã “chín muồi” để ứng dụng Blockchain về mặt công nghệ.
Tuy nhiên, không đơn giản để chuyển đổi một hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng lên nền tảng Blockchain do sự khác nhau về đặc tính phân tán của công nghệ này và tính tập trung hóa trong nghiệp vụ của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, vì vậy cần được nghiên cứu, phân tích cụ thể. Đồng thời, cũng cần cân nhắc tính hiệu quả về mặt kinh tế và tích hợp với hệ thống hiện tại.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng nhận định, Nhóm nghiên cứu đã mang tới cái nhìn tổng quan về công nghệ Blockchain, từ đó cho thấy thật sự không thể vội vàng trong việc việc ứng dụng công nghệ này trong hoạt động ngân hàng.
Hiện hoạt động chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ cùng với tổng thể chung của Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, việc ứng dụng các công nghệ mới trong Ngành sẽ được triển khai theo hướng vừa đáp ứng các yêu cầu mới vừa đảm bản an toàn, hiệu quả và đúng theo quy định pháp luật hiện hành.