Vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng tinh vi
Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”. |
Ngày 13/9, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”.
Vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới cho báo chí, truyền thông, thời đại của kết nối internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo.
Một trong những thách thức lớn đổi với chuyển đổi số báo chí là vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số, theo đó hiện tượng vi phạm quyền pháp lý được cấp cho người tạo ra hoặc sở hữu nội dung số để kiểm soát việc sao chép, phân phối và sử dụng nó trong môi trường số hóa đang diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Đây chính là rào cản lớn đối với chuyển đổi số báo chí ở các cơ quan báo chí hiện nay.
Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí. Khi bảo vệ được quyền tác giả là đảm bảo rằng các nhà báo, các tác giả được công nhận và được trả nhuận bút xứng đáng cho lao động nghiệp vụ báo chí của họ.
"Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí - truyền thông hiện nay. Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí", ông Trần Trọng Dũng chia sẻ.
Theo PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, các hình thức vi phạm bản quyền báo chí có thể bao gồm: chiếm đoạt bản quyền; mạo danh bản quyền (ví dụ giả danh VTV hay các trang web giả mạo báo điện tử - có nội dung, giao diện gần như y hệt, chỉ hơi khác tên miền). Phân phối, xuất bản tác phẩm giả mạo, tác phẩm và bản sao của tác phẩm không xin phép; sửa chữa, cắt xén, làm tác phẩm phái sinh không có sự đồng ý của tác giả; sử dụng tác phẩm nhưng không trả tiền tác quyền.
Một số trang giả mạo “cố tình” không ghi rõ địa chỉ, không rõ người quản lý cũng như cơ quan chủ quản, không có giấy phép nên rất khó để các cơ quan chức năng truy xét và xử lý vấn đề bản quyền.
PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, điều đáng buồn mỗi ngày, một sản phẩm sáng tạo của phóng viên, nhà báo vừa đăng tải lên Internet đã bị các trang mạng xã hội, thậm chí các cơ quan báo chí khác lấy lại, "xào nấu" thành của mình. Nhiều phóng viên ngồi ghế sa-lông nhưng mỗi ngày có thể đưa 10-20 tin bài chỉ bằng việc vô cùng đơn giản là "copy", "paste", dẫn lại nội dung y hệt.
Khảo sát thực trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ tại Báo Tuổi trẻ - cơ quan ngôn luận của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh – một trong những tờ báo có lượng độc giả đông nhất cả nước. Hiện nay, tình trạng copy “có xào nấu” từ tin tức của Báo Tuổi Trẻ là rất nhiều. Các “thủ đoạn” được một bộ phận các cơ quan báo chí khác sử dụng là copy từng phần, copy nội dung chính, copy tin tức và copy nguyên bài…
Chưa hết, trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như YouTube, Facebook, TikTok, Instagram,… xảy ra rất nhiều tình trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của báo Tuổi Trẻ bằng nhiều hình thức. Cụ thể, hình ảnh (video) được phóng to ra nhằm làm mất logo của chủ sở hữu (Báo Tuổi trẻ). Hình ảnh (video) bị lật ngược chiều so với bản gốc ban đầu, chia cắt hình ảnh gốc thành nhiều đoạn rồi “chế biến” lại.
Tăng cường bảo vệ bản quyền báo chí
Theo ông Trần Trọng Dũng, bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí. Khi bảo vệ được quyền tác giả là đảm bảo rằng các nhà báo, các tác giả được công nhận và được trả nhuận bút xứng đáng cho lao động nghiệp vụ báo chí của họ. Điều này thúc đẩy sự sáng tạo và đầu tư cho hoạt động sáng tạo nội dung báo chí, tạo động lực cho các nhà báo và các cơ quan báo chí đầu tư vào các dự án phát triển nội dung, các dự án đổi mới sáng tạo báo chí.
Bảo vệ bản quyền báo chí giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả mạo, thúc đẩy một nền báo chí với “hàng thật” và “hàng chất lượng cao”.
"Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay", ông Dũng nhấn mạnh.
PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, để đảm bảo rằng các bản quyền nội dung số được bảo vệ hiệu quả, cần thiết lập và thực thi quy định pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ. Điều này bao gồm việc xây dựng luật bản quyền và quy định về bản quyền nội dung số, đồng thời tạo điều kiện để bảo vệ bản quyền trực tuyến và xử lý vi phạm một cách hiệu quả.
Cần rõ ràng và có chế tài nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm bản quyền báo chí số. Cần xây dựng Trung tâm báo vệ bản quyền báo chí truyền thông số quốc gia, trong đó có sự tham gia quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số.
Theo PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng, cần có chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, xây dựng tòa soạn số tích hợp công cụ số có khả năng rà quét phát hiện vi phạm bản quyền trước khi xuất bản, phát sóng tác phẩm báo chí; nghiên cứu giải pháp sử dụng công nghệ để theo dõi việc sử dụng nội dung trực tuyến và bảo vệ bản quyền; thành lập bộ phận kiểm tra, giám sát và đấu tranh đòi quyền sở hữu trí tuệ khi bị xâm phạm.