10 tác phẩm báo chí, loạt bài nhận Giải Báo chí với phát triển bền vững
Không sử dụng đồ dùng một lần để tránh phát thải rác, đó là một trong những hành động để bảo vệ môi trường, nằm trong một trong những mục tiêu của phát triển bền vững. Giờ đây, hành động này đang được nhân lên trong các cộng đồng xã hội, từ giới văn phòng cho đến một số siêu thị...
Phát triển bền vững đã trở thành xu thế chung mà toàn nhân loại đang nỗ lực hướng tới. Các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc được xem như là định hướng mang tính toàn cầu và mỗi quốc gia cần phải đặt ra các mục tiêu phù hợp với bối cảnh của quốc gia để thực hiện.
17 Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (SGDs) đã được Việt Nam quốc gia hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (VSDGs) được ban hành tháng 5/2017, gồm 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia trên cơ sở kết quả thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs)
Cho nên có thể nói, hơn 500 bài viết gửi tới tham dự giải lần này, chỉ trong vòng vài tháng, cho giải thưởng lần đầu tiên được tổ chức, cho thấy vấn đề phát triển bền vững đã vượt qua “khuôn phép” Chương trình nghị sự, của Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ để đi vào mối quan tâm chung của cộng đồng, vào sự phản ảnh của báo chí, đi vào tư duy phát triển của doanh nghiệp...
Theo Ban tổ chức có 503 bài báo được gửi tới tham dự Giải, đến từ 173 tác giả của 142 tờ báo trên cả nước; trong đó 205 bài (40,7%) thuộc lĩnh vực môi trường, 214 bài (42,5%) thuộc lĩnh vực giới, 84 bài (16%) ở các lĩnh vực khác. Thể loại bài tham dự Giải phong phú, từ các loạt bài phóng sự, phóng sự điều tra cho đến ghi chép… Kết quả, đã chọn ra được 10 giải, trong đó có 4 giải về giới và 6 giải về lĩnh vực môi trường.
Ở lĩnh vực Giới, giải A được trao cho loạt bài “Cởi trói” cho phụ nữ Hà Nhì” của tác giả Tuấn Ngọc - Tô Dung (báo Lào Cai).
Giải B số 1 được trao cho loạt bài “Xây dựng quan hệ tôn trọng và bình đẳng giới trong trường học” của tác giả Dương Phương Liên (báo Chính Phủ); Giải B số 2 được trao cho loạt bài của tác giả Hoàng Xuân, gồm bài “Các vụ xâm hại tình dục trẻ em: Hãy cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra hoặc bạn phải cay đắng nhìn thủ phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”, bài “Từ câu chuyện về vụ trao nhầm con ở Bình Phước và Ba Vì: Hãy dành cho gia đình họ thời gian và sự tĩnh lặng cần thiết” và bài “Đi tìm chị Lê Duy trong phim Finding Phong, người dặn đừng có mơ mình sẽ được xem như đàn bà thực thụ”.
Giải C được trao cho bài “Bình đẳng giới: Còn nhiều nhận thức sai lầm” của tác giả Nguyễn Thị Hà - Văn Thị Hồng Nhung (Báo Phụ nữ Thủ đô).
Ở lĩnh vực môi trường, giải A được trao cho loạt bài 19 kỳ “Những mùa dứa thối trên nương ở Lào Cai” của tác giả Phạm Kế Toại (Báo Nông nghiệp Việt Nam).
Giải B số 1 được trao cho bài “Những mỏm núi tang thương ở Hòa Bình” của tác giả Võ Mạnh Hùng (Báo Vietnamplus); Giải B số 2 được trao cho loạt bài “Bảo vệ môi trường khai thác than” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Linh (Đài PTTH Quảng Ninh); Giải B số 3 được trao cho bài “Khi báo cáo phát triển bền vững trở thành nét đẹp văn hoá của doanh nghiệp” của tác giả Trần Ngọc Kha (Báo Kinh doanh và Pháp luật).
Giải C số 1 được trao cho loạt bài “Năng lượng tái tạo: Cơ hội và thách thức của Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Phương Liễu (Báo Đồng Nai); Giải C số 2 được trao cho “Khát vọng xanh nơi rẻo cao” của tác giả Nguyễn Phong Lan - Thuỳ Nguyễn (Báo Đầu tư)…