Việt Nam với nhu cầu sữa tiêu dùng trong nước
Năm 2018, tổng doanh thu đạt ước 109.000 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 9% so với năm 2017. Giai đoạn 2010-2018, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng doanh thu ngành sữa đạt 12,7%/năm, có tốc độ tăng trưởng cao nhất đối với sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc chăn nuôi.
Ảnh minh họa |
Ngành sữa Việt Nam đang từng bước phát triển bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm, có khả năng cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của xã hội. Năm 2018, cả nước hiện có 294,4 ngàn con bò sữa, với tốc độ tăng đàn bình quân là 10,9%/năm. Sản lượng sữa năm 2018 đạt 936,0 ngàn tấn, tăng bình quân 15%/năm cho giai đoạn 2011-2018, nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng trong nước.
PGS-TS. Hoàng Kim Giao - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn, xã hội càng ngày càng phát triển, nhu cầu về sữa của người tiêu dùng trên thế giới và trong nước ngày càng cao, vì thế, thị trường sữa rất sôi động đặc biệt về sữa tươi. Trước yêu cầu đó, Việt Nam cần và phải phát triển nhanh hơn, nhiều hơn về đàn bò sữa, về sản lượng và chất lượng sữa. Song song với việc khuyến khích các công ty lớn đầu tư chăn nuôi bò sữa tập trung công nghiệp, Việt Nam cần chú ý nhiều hơn cho chăn nuôi bò sữa quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt quy mô hộ gia đình. Ở quy mô này, một mặt khắc phục dần những khó khăn đã nêu trên, mặt khác khuyến khích cá nhân, các quy mô ở khu vực này tăng số lượng đầu con, áp dụng các biện pháp, các tiến bộ kỹ thuật về chọn, nuôi giữ giống; về kỹ thuật chế biến thức ăn; kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh; kỹ thuật khai khác, bảo quản sữa trước khi chế biến...
Theo ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành đang không ngừng đầu tư, xây dựng, cải tiến, đổi mới kỹ thuật, công nghệ. Nhiều doanh nghiệp đã, đang đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ có trình độ tự động hóa cao ngang tầm khu vực và thế giới, nhiều trang trại đạt chuẩn Global G.A.P, VietGAHP, trang trại hữu cơ… nhằm tăng sản lượng, chất lượng, an toàn thực phẩm, đa dạng hóa sản phẩm và tiếp cận ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị sữa, sản phẩm sữa ở thị trường trong và ngoài nước.
Năm 2018, sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam đã xuất khẩu sang 43 nước và vùng lãnh thổ, đặc biệt là sản phẩm sữa bột công thức xuất sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippines. Tổng xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt trên 300 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực và châu Âu; Đặc biệt các doanh nghiệp trong ngành đang khẩn trương chuẩn bị kế hoạch sản xuất để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc theo tinh thần Nghị định thư đã ký giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc ngày 25/4/2019 vừa qua. Dự báo trong những năm tới ngành sữa Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 9-10% và đạt mức 28 lít sữa/người/năm vào năm 2020.
Tiêu thụ sữa sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới do thu nhập của người dân tăng và sự phát triển của các chuỗi bán hàng hiện đại. Nhu cầu đối với các sản phẩm sữa có giá trị cao cũng được dự báo sẽ tăng mạnh do dân số trẻ và số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu ở các đô thị tăng. Những đối tượng khách hàng này thường có nhu cầu trải nghiệm những sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ, xu hướng sử dụng sản phẩm sữa hạt và các sản phẩm dinh dưỡng y học. Nhu cầu tiêu thụ bơ và phô mai sẽ tăng với tốc độ nhanh chóng. Sữa đặc và sữa chua cũng là những mặt hàng sữa được cho là sẽ có lượng tiêu thụ cao. Xuất khẩu sữa của Việt Nam đang từng bước phát triển tại các thị trường Trung Đông, Đông Nam Á, châu Âu và kể cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.