VN-Index có triển vọng kiểm chứng lại vùng 1.500 điểm
VN-Index có triển vọng kiểm chứng lại vùng 1.500 điểm |
Thị trường có thể vươn lên những ngưỡng mới
Nhìn vào bối cảnh kinh tế trong nước, ông Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng 6,42%, riêng quý II tăng trưởng 6,93%. Đây là tốc độ tăng trưởng nửa đầu năm đứng thứ 2 (chỉ kém năm 2022) trong giai đoạn 2020-2024.
Tốc độ tăng trưởng GDP như vậy là hết sức tích cực. Đầu năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,0-6,5%, và với kết quả thuận lợi trong nửa đầu năm, mục tiêu mới đang được hướng tới là 6,5-7,0%, ông cho rằng chúng ta nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu này.
“Với nền kinh tế hướng đến xuất khẩu, nhu cầu quốc tế có ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng của Việt Nam. Chúng ta thấy rất rõ điều này khi tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó, tăng trưởng âm khoảng 11,3% trong nửa đầu 2023 và cả năm sụt giảm 4,6% so với cùng kỳ 2022. Ngược lại, năm 2024, nhu cầu thế giới với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã trở lại mạnh mẽ, tăng trưởng xuất khẩu gộp trong 7 tháng đạt 15,1%, là trụ cột cho mức tăng trưởng cao nửa đầu 2024”, ông Minh cho biết và khẳng định: Xuất khẩu nước ta tăng trưởng nhanh là kết quả của việc Việt Nam thành công thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng - sản xuất của thế giới. Bằng chứng là tốc độ tăng trưởng FDI cam kết cao khoảng 14,5%, cũng như FDI giải ngân trong 7 tháng đầu năm tăng 8,4%.
Về triển vọng thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Kỳ Minh cho biết, hiện thị trường đã có những phiên tăng điểm rất tích cực, với thanh khoản được cải thiện và các cổ phiếu trụ kéo theo đa số cổ phiếu niêm yết tăng điểm.
Xét theo yếu tố ngắn hạn, chỉ số VN-Index nhiều khả năng quay lại ngưỡng 1.300 điểm trước đó. Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại liên tục quay lại giải ngân cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024 cũng là một điểm cộng cho thị trường, nhất là trong bối cảnh Fed tuyên bố đã đến lúc cắt giảm lãi suất.
Nhìn về dài hạn, VN-Index cũng đang có nhiều triển vọng kiểm chứng lại vùng 1.500 điểm của năm 2022. Các yếu tố kìm chế VN-Index thời gian qua đa phần đã được cải thiện khi tỷ giá đã ổn định trở lại cùng với việc NHNN đã thành công trong việc kiểm soát những biến động trên thị trường vàng.
Cùng với sự ổn định của hệ thống chính trị, hiện thị trường chứng khoán đang ở mức định giá rất thấp, PB đang ở mức thấp nhất lịch sử, còn PE cũng đang ở mức hấp dẫn. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn có một số yếu tố rủi ro như có thể bị tác động bởi dòng tiền và một số biến động quốc tế như việc liệu nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm như dự báo hay không… Nếu không, nó sẽ gây ra tác động kìm chế trong trung hạn, nhưng về dài hạn thị trường đang trong xu hướng tích cực.
Nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường?
Nhìn nhận đóng góp cho đà tăng của thị trường ở nhịp tăng này, từ những phiên gần đây, ông Nguyễn Kỳ Minh thấy rằng, nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng đã có diễn biến rất tích cực và tác động lên đà tăng của chỉ số chung.
Với kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới tại nhóm dệt may, hóa chất hay nhóm lợi nhuận có dấu hiệu tạo đáy là dầu khí, thì những nhóm ngành này hoàn toàn có thể đóng vai trò dẫn dắt mới.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong chỉ số chung. Những phiên gần đây, đã có những diễn biến tích cực tại nhóm cổ phiếu ngân hàng khối quốc doanh và mang tính chất cục bộ nhưng chỉ số chung sẽ có diễn biến tích cực nếu đà tăng lan tỏa trên cả nhóm ngân hàng và kéo chỉ số thoát vùng 1.200 điểm.
Ngoài ra, ông cũng đặc biệt quan tâm đến nhóm chứng khoán vì khi thị trường sôi động trở lại và nền lãi suất đang thấp sẽ hỗ trợ hoạt động cho vay maảgin, định giá nhiều cổ phiếu thấp khiến nhà đầu tư có thể mạnh tay giải ngân, bên cạnh đó là kỳ vọng nâng hạng thị trường đang đến gần.
Sự tăng trưởng của công ty chứng khoán dựa trên quy hoạch và định hướng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam đến hết 2025 với tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán 100% GDP hay tỷ trọng về trái phiếu cũng ở mức rất cao, và các công ty chứng khoán sẽ vừa là đơn vị hỗ trợ cho nền kinh tế để đạt những mốc cao hơn, vừa là đơn vị hưởng lợi tương đối nhiều trong tiến trình phát triển của Việt Nam.
Vậy nhà đầu tư nên có chiến lược như thế nào vào thời điểm này? Ông Nguyễn Kỳ Minh cho rằng, tại thời điểm hiện tại, mặc dù các thông tin tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn một số yếu tố kìm chế trong ngắn hạn. Vì vậy, với các nhà đầu tư ngắn hạn, việc quan sát kỹ dòng tiền và giải ngân theo các phiên bùng nổ là phù hợp. Đối với nhà đầu tư dài hạn, ít sử dụng đòn bẩy, tôi nghĩ việc gia tăng tỷ trọng một cách đều đặn trong giai đoạn vừa qua và cả giai đoạn này là hợp lý.
Nhìn chung, 2022 là một thời điểm hội tụ nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước, khi đó chỉ số VN-Index giảm về mốc 880-900 điểm. Hiện tại, sau gần 2 năm, cung tiền, quy mô nền kinh tế đã có sự mở rộng tương đối, nhìn chung mốc 1.200 hiện tại chỉ cao hơn không nhiều so với mốc thấp 2022 nếu tính thêm cả sự mở rộng của cung tiền và nền kinh tế.
Như vậy, khi chúng ta đang ở vùng đáy của thị trường và chuẩn bị cho những cơn sóng tăng trưởng dài hạn mạnh mẽ như Việt Nam đã trải qua vào giai đoạn sau 2012, thì việc quan trọng nhất là các nhà đầu tư không rời bỏ thị trường, tiếp tục nắm giữ và quan sát cũng như giải ngân ngay khi có mức giá ưng ý là rất quan trọng.