Vốn Hàn chảy vào lĩnh vực ngân hàng
Ngân hàng bán lẻ của Hàn hiện diện rộng khắp
Vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong những năm qua chủ yếu thực hiện qua gián tiếp, mua cổ phần, góp vốn. Trong đó có thể kể đến thương vụ Shinhan Bank mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ tại Việt Nam đã tác động tích cực lên hoạt động ngân hàng bán lẻ trên thị trường. Sau thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) này các sản phẩm tín dụng tiêu dùng của Shinhan Bank hiện diện khắp các cửa hàng phân phối điện tử, điện máy, các trang thương mại điện tử… Bên cạnh đó, công ty tài chính Shinhan Finance hiện nay đang tham gia cho vay tiêu dùng với thị phần không nhỏ. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng Hàn Quốc tại Việt Nam cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ, từ tiền gửi, tiền vay, phát hành thẻ, thanh toán…
Trả lời Thời báo Ngân hàng, đại diện Shinhan Bank cho biết, ngân hàng là đối tác quan trọng của các công ty Hàn Quốc có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Để phát triển bền vững, Shinhan Bank phát triển song song mảng bán lẻ, bên cạnh mảng doanh nghiệp đang ổn định, như một giải pháp Shinhan Bank tiến xa hơn trên thị trường Việt Nam. Nếu nói về sự hiện diện của các tổ chức tài chính lớn đến từ xứ sở Kim chi thì phải nhắc đến thương vụ mua cổ phần lớn nhất trong lịch sử ngân hàng là việc KEB Hana Bank mua hơn 603,3 triệu cổ phần BIDV với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng (thời điểm cuối năm 2019) tương đương với 15% vốn cổ phần của ngân hàng này trong thời gian tối thiểu 5 năm. Sau khi trở thành cổ đông chiến lược của BIDV, logo nhận diện thương hiệu ngân hàng này đã được thay đổi gần gũi hơn, các sản phẩm ngân hàng đa dạng và đến gần hơn với người dùng…
Ngân hàng Hàn Quốc phục vụ từ doanh nghiệp FDI đến tiêu dùng cá nhân trong nước |
Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt Đức và Anh. Đây cũng là quốc gia thuộc tốp 5 nước châu Á được dự báo có mức tăng trưởng thị trường tiêu dùng nhanh nhất trong thập kỷ này (2021-2030), sở hữu nhóm dân số có thu nhập trên 20 USD/ngày theo điều kiện ngang giá sức mua (PPP). Tầng lớp trung lưu cao (cá nhân có thu nhập trong khoảng 50-110 USD/ngày) của Việt Nam được dự báo sẽ tăng bình quân 17% mỗi năm từ nay đến năm 2030, HSBC Global Research nhận định. Do đó chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là với lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Việt Nam tạo sân chơi bình đẳng
Ở Việt Nam, các TCTD Hàn Quốc đang tập trung nhiều nhất ở TP. Hồ Chí Minh. Tính đến 30/6/2023, NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đang quản lý, giám sát 23 chi nhánh TCTD có quốc tịch Hàn; trong đó hai ngân hàng 100% vốn nước ngoài là Shinhan Bank Việt Nam và Woori Việt Nam; 5 chi nhánh ngân hàng nước ngoài (KEB Hana, Kookmin,
Industrial Bank of Korea, Busan Bank, Daegu Bank); 4 văn phòng đại diện bao gồm KDB (Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc), Daegu, NongHyup, Joenbuk; Công ty tài chính Shinhan Việt Nam 100% vốn nước ngoài; ngoài ra một số công ty tài chính đặt điểm giới thiệu dịch vụ có Mirae Asset có 948 điểm, Lotte có 3 điểm, Shinhan có 76 điểm.
Đến thời điểm tháng 5/2023, hầu như các đơn vị kinh doanh của Hàn Quốc đều có lãi. Trong khi đó, văn phòng đại diện của các định chế tài chính tại TP. Hồ Chí Minh chủ yếu làm nhiệm vụ liên lạc, nghiên cứu thị trường, xúc tiến các dự án đầu tư của ngân hàng mẹ tại Việt Nam. Đồng thời thúc đẩy và theo dõi việc thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận ký giữa ngân hàng mẹ với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Việt Nam, dự án do ngân hàng tài trợ tại Việt Nam.
Hàn Quốc hiện là quốc gia có số lượng tổ chức tài chính, ngân hàng hiện diện tại Việt Nam lớn nhất trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. NHNN Việt Nam hiện vẫn đang xử lý một số hồ sơ của các tổ chức tín dụng, ngân hàng Hàn Quốc đề nghị cấp phép mở mới hiện diện, trong đó có IBK (Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc) và KDB. Được biết, KDB ngân hàng 100% vốn của chính phủ Hàn Quốc, muốn có quan hệ với doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển năng lượng xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; còn IBK là ngân hàng có cơ cấu cho vay đến 80% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ có nhiều kinh nghiệm trong hỗ trợ các công ty nhỏ khi kinh tế bất ổn.
Theo Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các TCTD nước ngoài tham gia hỗ trợ và xử lý các vấn đề khó khăn, yếu kém của các TCTD trong nước; khuyến khích các TCTD nước ngoài đi đầu trong việc phát triển và áp dụng các công nghệ hiện đại, đưa các sản phẩm, dịch vụ mới tới thị trường Việt Nam; hỗ trợ các TCTD trong nước trong việc tiếp cận với các quy trình, sản phẩm, công nghệ mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về sản phẩm và dịch vụ của khách hàng.