Xử lý chất thải rắn còn nhiều vướng mắc
Xử lý chất thải rắn: Nâng cao ý thức người dân Xử lý chất thải rắn xây dựng: Nỗ lực đầu tư công nghệ cao |
Trong bối cảnh đó, “Quản lý chất thải rắn theo hướng tuần hoàn là một giải pháp quan trọng và cần thiết để phát triển đô thị xanh, bền vững hiện nay”, TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến nghị.
Khó triển khai vì thiếu hướng dẫn
Theo ông Thắng, hệ thống văn bản pháp luật ngày càng hoàn thiện tạo căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý chất thải thống nhất theo hướng kinh tế tuần hoàn (KTTH) và thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải đặc biệt. Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 đã đổi mới phương thức quản lý chất thải, coi đây là tài nguyên sau khi được phân loại để góp phần thúc đẩy KTTH; quy định việc thu phí CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Nhiều tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có nội dung quy hoạch cho hạ tầng kỹ thuật về thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Bên cạnh đó, các quy hoạch chất thải rắn trong các quy hoạch vùng cũng đã được ban hành.
Nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố trực thuộc Trung ương, đã bắt đầu thực hiện phân loại CTRSH ở quy mô lớn hơn. Đến tháng 11/2024, đã có 46 địa phương ban hành quy định về phân loại CTRSH hoặc lồng ghép hoạt động này trong quy định quản lý chất thải rắn. Hệ thống chính sách pháp luật về chất thải nhựa đã được thiết lập, đây là một trong những loại CTRSH gây nhiều bức xúc hiện nay.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật còn chưa hoàn thiện, vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể và định hướng, lộ trình về áp dụng. Kế hoạch hành động thực hiện KTTH; định mức chi phí tái chế các sản phẩm thuộc cơ chế EPR chưa được ban hành. Chưa có Thông tư về quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, làm cơ sở cho các địa phương định giá dịch vụ quản lý CTRSH. Nhiều dự án điện rác dự kiến ở các thành phố lớn chưa nằm trong Quy hoạch điện VIII, cần phải cập nhật. Quy trình thủ tục xin giấy phép phức tạp, thời gian phê duyệt kéo dài của các dự án khiến các dự án điện rác khó phát triển nhanh trong khi nhu cầu xử lý rác triệt để với công nghệ tiên tiến đang rất cấp bách. Trong một số trường hợp, việc yêu cầu phải đánh giá công nghệ trước khi phê duyệt làm hạn chế rất nhiều tính kinh tế của dự án, vì bó buộc vào nhà cung cấp công nghệ.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn, nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn |
Nhiều quy định cản trở thu hút đầu tư
Các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều quy định chưa hợp lý khiến nhà đầu tư ngần ngại, địa phương khó xã hội hóa đầu tư. Như Thông tư 15/2023/TT-BXD ban hành Quy chuẩn Việt Nam về hệ thống công trình hạ tầng xử lý CTRSH có quy định, nếu cơ sở đốt rác lớn hơn 1.000 tấn/ngày cần số lò hoạt động thường xuyên lớn hơn 3 lò. “Điều này là bất hợp lý vì với sự phát triển của công nghệ đốt rác phát điện hiện nay, công suất đốt hơn 1.000 tấn cho một lò là phổ biến”, ông Thắng cho biết.
Cùng với đó, nhiều địa phương cũng chưa ban hành quy định chi tiết về quản lý CTRSH trên địa bàn; hệ thống hạ tầng phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH còn thiếu và không đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý CTRSH còn thiếu sự liên kết, thống nhất giữa các địa phương, vùng, miền. Mặc dù Quy hoạch BVMT đến 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt, việc thành lập các dự án xử lý cấp quốc gia, liên vùng, liên tỉnh còn hạn chế. Việc cung cấp nguồn rác không đủ, không ổn định cũng là thách thức lớn, đặc biệt tại các địa phương có khối lượng rác ít. Bên cạnh đó, mỗi địa phương hiện có phương án khác nhau về hợp đồng xử lý rác thải.
Lại nữa, hiện thủ tục đấu thầu theo quy định pháp luật còn phức tạp, khó khăn. Chưa có Thông tư hướng dẫn chi tiết về nội dung tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, mẫu hợp đồng dự án phù hợp với yêu cầu thực hiện dự án theo Nghị định 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Vì vậy, để thúc đẩy quản lý chất thải rắn đô thị theo hướng KTTH, TS. Nguyễn Trung Thắng khuyến nghị cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ từ phân loại, thu gom, xử lý, tái chế CTRSH, thúc đẩy KTTH. Trong đó, cần ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH; ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì để thực hiện EPR. Ban hành các thông tư hướng dẫn về các quy chuẩn, quy trình kỹ thuật đang còn vướng mắc hoặc chưa có. Cập nhật các dự án điện rác trong Quy hoạch Điện VIII và quy hoạch tỉnh, thành phố.
Các tỉnh, thành phố cần phải chủ động xây dựng và thực hiện đề án quản lý CTRSH theo quy định của Luật BVMT 2020; thực hiện tốt Quy hoạch BVMT quốc gia. Đầu tư hệ thống hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý CTRSH đồng bộ, hiện đại theo hướng tăng tỷ lệ tái sử dụng, tái chế, hạn chế chôn lấp, thu hồi năng lượng. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch BVMT quốc gia; thúc đẩy xây dựng các cơ sở xử lý CTR cấp quốc gia, cấp vùng; khuyến khích liên kết, hợp tác liên tỉnh.
Cùng với việc xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện tài chính xanh, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thu gom và tái chế CTRSH, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách khuyến khích thực hiện các mô hình KTTH tại doanh nghiệp; thu hút khu vực tư nhân trong đầu tư và hợp tác để cải thiện hạ tầng quản lý chất thải. Nhà nước chỉ đóng vai trò xây dựng cơ chế, chính sách; tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách về đấu thầu; huy động sự tham gia của khu vực tư nhân theo cơ chế PPP. Xây dựng và tổ chức thực hiện, nhân rộng các mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt, đồng thời xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật đối với việc cải tạo, nâng cấp, xử lý ô nhiễm môi trường các bãi chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh; hướng dẫn các mô hình xử lý CTRSH tại đô thị, nông thôn.