Xử lý chất thải rắn xây dựng: Nỗ lực đầu tư công nghệ cao
Thêm một sáng kiến bảo vệ môi trường | |
Đốt rác phát điện - chậm còn hơn không | |
Xử lý rác thải nhựa: Thúc đẩy kinh tế nhựa tuần hoàn |
Hiện nay, việc quản lý và xử lý chất thải nói chung, hay chất thải rắn xây dựng nói riêng đang là vấn đề nóng, nhức nhối. Theo thống kê sơ bộ của UBND TP. Hà Nội, mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 2.000 tấn rác thải rắn xây dựng, chưa kể phát sinh từ những dự án giao thông trong dân sinh.
Rác thải xây dựng tuy rằng chỉ chiếm một tỷ trọng nhất định trong chất thải nói chung và phần lớn là hợp chất vô cơ, không độc hại nhiều như rác thải y tế, rác thải công nghiệp nhưng cũng cần thiết phải quan tâm và xử lý thỏa đáng.
Vấn đề xử lý chất thải rắn trong xây dựng đang được rất nhiều DN quan tâm. Ông Nguyễn Trung Thực, Chủ tịch Hội DNNVV Việt Đức cho biết, đã có nhiều DN đầu tư công nghệ cao để xử lý rác thải thành sản phẩm, tức trở thành nguyên liệu phục vụ cho lĩnh vực sản xuất hoặc lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, hiện đang rất cần một hành lang pháp lý đầy đủ để việc xử lý được thuận lợi.
Công nghệ trong xử lý rác thải cần nguồn đầu tư lớn |
Thực tế hiện nay, tại các công trường xây dựng, chất thải rắn xây dựng sau khi phá dỡ thu gom không được phân loại, đa số chưa qua xử lý đã được các đơn vị đem đi san lấp dẫn đến không đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Đã có một số DN nghiên cứu đầu tư các dây chuyền máy móc nhằm xử lý chất thải rắn xây dựng. Công nghệ xử lý chất thải rắn xây dựng chủ yếu là phân loại, nghiền sàng, tái chế thành vật liệu mới hoặc sử dụng chế phẩm vào công việc khác đảm bảo yêu cầu cũng như vệ sinh môi trường. Nếu công nghệ xử lý thấp dẫn đến phát sinh ô nhiễm thứ cấp như: bụi, bụi mịn, tiếng ồn...
Ông Đỗ Văn Toan, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Toàn Cầu cho biết, DN đã và đang đầu tư rất nhiều thiết bị công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng vào sử dụng trong các công trình xây dựng. Công ty Toàn Cầu đã nghiên cứu công nghệ này từ năm 2013 và đã đi nhiều nước để tìm hiểu. Đến khi TP. Hà Nội có chủ trương xã hội hóa huy động đầu tư tư nhân vào xử lý rác thải thì Toàn Cầu đã báo cáo thành phố về công nghệ này từ năm 2017. Thiết bị có công suất từ 120 - 250 tấn/giờ, có thể hoạt động được ở các khu vực đông dân và phù hợp với nhiều loại công trình cần phá dỡ. Ông Toan cho rằng, đây là công nghệ được nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Thay vì vận chuyển những khối bê tông cũ ra các bãi tập kết phế liệu xây dựng, hệ thống này được lắp đặt ngay tại chân công trình. Công nghệ cho phép tận dụng 100% chất thải từ vật liệu xây dựng. Các hạt thành phẩm cho nhiều kích cỡ. Hạt to có thể dùng làm cấp phối san nền đường, cát mịn có thể dùng để sản xuất gạch lát vỉa hè, vườn hoa, công viên, đê chắn sóng... thậm chí có thể dùng để chế tạo bê tông tươi. Máy nghiền có thể đáp ứng tất cả nhu cầu xử lý các loại nguyên liệu khoáng sản như đá hộc, bê tông, nhựa đường, thủy tinh... Việc áp dụng công nghệ hiện đại vừa xử lý tốt chất thải rắn xây dựng, vừa tận dụng giảm giá thành và đảm bảo môi trường.