Xuất khẩu hồ tiêu kỳ vọng ở năm 2024
Xuất khẩu điều đạt kỷ lục trong nhiều năm gần đây Xuất khẩu ớt thu về 20 triệu USD, tăng 107% Tận dụng các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu |
Bước sang năm 2024, giá tiêu xuất khẩu đã ở mức cao hơn so với năm 2023. Theo dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này (15/1), giá tiêu đen Việt Nam ở mức 3.900 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l ở mức 4.000 USD/tấn và giá tiêu trắng ở mức 5.700 USD/tấn.
Theo đại diện của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gần 270.000 tấn hạt tiêu, giá trị gần chạm mốc 1 tỷ USD. Nhưng, triển vọng cho năm nay sẽ còn “tươi sáng” hơn trong bối cảnh Mỹ giảm nhập khẩu hồ tiêu từ Ấn Độ và chuyển sang mua của các nhà cung cấp Việt Nam vì có mức giá tốt và chất lượng ngày càng cao. Ngành hồ tiêu Việt Nam cũng được đánh giá tích cực về năng lực chế biến với tỷ lệ sản phẩm qua chế biến chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ảnh minh họa |
Để đón đầu cơ hội kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động mở rộng đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh chia sẻ, công ty hiện đang dẫn đầu về sản lượng tiêu xuất khẩu, vượt cả các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam khi xuất khẩu vào châu Âu chiếm tới 15% thị phần. Vừa qua, doanh nghiệp đã ký kết được khoản đầu tư tới 320 triệu USD của một nhà đầu tư nước ngoài. Với số vốn này, Phúc Sinh có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến sâu trong năm 2024, kỳ vọng đưa công ty sớm phát triển bùng nổ.
“Việc Phúc Sinh nhận được đầu tư với giá vốn vừa phải là một tin vui”, ông Thông cho biết đồng thời chia sẻ thêm: “Để được định giá tốt, các doanh nghiệp Việt Nam cần cho đối tác thấy về thế mạnh, sự minh bạch và phát triển bền vững thì đây là yếu tố cần mà doanh nghiệp nông nghiệp muốn nhận đầu tư từ nước ngoài cần lưu ý”.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA cho biết, Việt Nam hiện đang chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng như hồ tiêu, khẩu quế, hoa hồi, ớt, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu, nhục đậu khấu... Tuy nhiên, hiện chỉ có hồ tiêu được dẫn dắt bởi VPA đã xây dựng được thương hiệu quốc gia. Các loại gia vị khác của Việt Nam vẫn chưa được định vị rõ nét trên bản đồ gia vị thế giới.
Theo đó, giá trị thu về từ việc trồng cây gia vị của nông dân Việt Nam hiện chỉ ở mức thấp do chủ yếu bán ở dạng nguyên liệu và qua trung gian. Việc thiếu vai trò dẫn dắt, điều phối cho cả ngành hàng gia vị khiến ngành này vẫn chỉ dừng lại ở mức độ phát triển tự phát dựa trên nguồn lực của từng cá thể, ở mức độ riêng lẻ từng doanh nghiệp.
Bước sang năm 2024, VPA cho biết sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu gia vị và thúc đẩy thu hút đầu tư, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức quốc tế, để phát triển bền vững, góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, tận dụng những lợi ích từ việc hội nhập quốc tế để thúc đẩy đưa sản phẩm gia vị Việt Nam ra thị trường thế giới.
Mục tiêu là đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành hồ tiêu và gia vị đạt trên dưới 2 tỷ USD, với tổng sản lượng từ 400.000 - 500.000 tấn, với định hướng phát triển bền vững ngành hồ tiêu và gia vị nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến được chọn lựa đầu tiên trong chuỗi cung cấp gia vị toàn cầu. Để làm được điều này, VPA sẽ tập trung vào chiến lược đa dạng hóa ngành hàng, thị trường, sản phẩm, tăng giá trị gia tăng trong cơ cấu sản phẩm hồ tiêu và gia vị. Bên cạnh đó, VPA sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng nông dân kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu; liên kết sản xuất theo chuỗi; đẩy mạnh truyền thông và nhân rộng các mô hình sản xuất tiêu an toàn…
Đồng thời, để đảm bảo phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu, việc chuẩn bị cho những quy định mới từ EU là rất cần thiết. Quy định của EU về chống phá rừng, không gây nguy hại tới rừng, trước mắt áp dụng cho 6 ngành hàng: cà phê, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su, sắp tới có thể sẽ áp dụng cho hồ tiêu. VPA khuyến cáo các doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu cần có sự chuẩn bị trước cho quy định này.