300 đại biểu tham dự Hội nghị Quốc tế về dịch thuật và ngôn ngữ tại Hà Nội
Tham dự hội nghị có khoảng 300 khách mời là cộng đồng biên-phiên dịch Việt Nam và khu vực châu Á với các diễn giả như bà Maneerat Sawasdiwat Na Ayutthaya - Chủ tịch Hiệp hội dịch thuật châu Á, ông Yoshiki - Đại diện Hiệp hội dịch thuật châu Á tại Nhật Bản, Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam… Bên cạnh đó, hội nghị còn có sự tham gia của các đơn vị dịch thuật, trung tâm đào tạo ngoại ngữ, các tổ chức phi chính phủ có sử dụng biên - phiên dịch trên cả nước…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về những thách thức và triển vọng của nghề biên - phiên dịch trong xã hội hiện nay, ngôn ngữ biên dịch trong ngoại giao, chất lượng đào tạo ngoại ngữ tại Việt Nam, sách dịch trên thị trường và xu thế xuất khẩu sách Việt Nam ra thế giới, hay những chủ đề liên quan đến công nghệ dịch thuật…
Hiện trình độ ngoại ngữ của Việt Nam đã được nâng lên rất nhiều so với những thập niên trước, về phạm vi số lượng và nhu cầu khách quan của hội nhập.
Ngày nay chúng ta có nhiều phương tiện và cơ hội đào tạo một cách chính quy hơn. Nhưng dù là có nhiều người biết ngoại ngữ hơn và đặc biệt là tiếng Anh nhưng nhu cầu về dịch thuật nói cũng như viết vẫn rất cao, thậm chí cao hơn cả số lượng và chất lượng.
Sở dĩ trên thực tế số người có thể sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh hoàn toàn lưu loát không phải là đại đa số cho nên vẫn cần dịch thuật cho nhu cầu về khoa học, văn hóa… Do đó, nhu cầu về dịch thuật vẫn cần và càng ngày càng cần hơn đặc biệt về chất lượng.
Tại hội thảo, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, việc dịch thuật ở Việt Nam chưa thật sự được xây dựng thành nghề nghiệp chính thống vì nó còn thiếu những chuẩn mực nghề nghiệp rõ ràng và được công nhận. Thực trạng là khó phân biệt các đẳng cấp, cấp độ về dịch thuật và chưa có kỷ luật trong nghề nghiệp này, từng cá nhân, tổ chức làm nhưng chưa có tổ chức chung về nghề nghiệp.
Theo bà Ninh, trong nghề này cần phải góp sức với nhau để xây dựng nghề biên - phiên dịch phát triển, muốn xây dựng nghề này thì phải có lòng tự trọng và nghiêm khắc với bản thân, không thể dễ dãi. Chúng ta cần một sân chơi để trao đổi kinh nghiệm và cùng vươn lên của những người tham gia trong chuyên môn này.
Cũng theo bà Ninh, do tính đặc thù thì sân chơi này phải có liên kết quốc tế hay nói cách khác, không thể đóng cửa ta với nhau mà phải thường xuyên có luồng gió của bạn bè quốc tế, đặc biệt ở Khu vực Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương vì họ đã đi trước chúng ta.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Khắc Tuấn – CEO Công ty dịch thuật toàn cầu ExperTrans Global cho rằng, việc quan trọng nhất trong hội nghị lần này là sự tôn vinh nghề nghiệp cũng như ra mắt Ban vận động thành lập Hiệp hội dịch thuật Việt Nam để bước đầu xây dựng tiền đề cho việc thành lập hiệp hội dịch thuật sau này. Đây cũng là cơ hội để những người trong nghề có sự tương tác và mối liên hệ với nhau nhằm giúp cộng đồng biên phiên dịch Việt Nam ngày càng lớn mạnh phát triển.
TS