5 rủi ro đe dọa lĩnh vực NH toàn cầu
Cổ phiếu NH thời gian gần đây đang chịu nhiều áp lực khi mà các nhà đầu tư đều tỏ ra lo ngại rằng hoạt động NH sắp tới có thể chịu sự tác động mạnh bởi đà suy giảm kinh tế toàn cầu. Mặc dù các định chế tài chính đã nỗ lực củng cố bảng cân đối tài sản của mình kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhưng rất có thể lại có một năm đầy biến động nếu các thị trường mới nổi hoặc vấn đề năng lượng tiếp tục tạo ra thêm nhiều các khoản vỡ nợ.
Kinh tế Trung Quốc suy thoái và những hệ lụy tiềm tàng
Quả bóng BĐS và sự bung mạnh của khu vực sản xuất chế tạo thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008 ở Trung Quốc nhanh chóng xẹp hơi đã làm suy giảm kinh tế toàn cầu. Đồng thời cũng tích tụ những khoản nợ tư nhân lớn và sự sụt giảm niềm tin của các nhà đầu tư sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục bất ổn.
Bắc Kinh hiện đang rất nỗ lực để tự xóa bỏ hình ảnh là công xưởng sản xuất hàng hóa rẻ tiền của thế giới. Quá trình chuyển dịch này không dễ dàng gì và phải trả giá đắt. Nhiều dự án phát triển BĐS và hạ tầng cơ sở đang trong tình trạng dở dang, trong khi nhiều khó khăn khác cũng dồn lên các cơ quan quản lý.
Còn ở lĩnh vực NH, nhiều NHTM đã tìm cách thắt chặt cho vay và triệt để thu hồi nợ xấu, buộc nhiều DN vay nợ phải phá sản. Tỷ lệ tín dụng trên GDP của Trung Quốc hiện đã ở mức báo động trên 25% GDP (theo BIS), cao nhất thế giới. Tình trạng này hiện còn trong tầm kiểm soát nhưng các nhà đầu tư quốc tế lo ngại rằng nó có thể diễn biến theo chiều hướng xấu nếu vấn đề không được quan tâm đúng mức.
Những động thái chính sách thời gian qua cho thấy Trung Quốc vừa tìm cách giảm giá đồng NDT nhằm vớt vát lợi thế cạnh tranh thương mại lại vừa muốn hướng đến một nền kinh tế tiêu dùng kiểu phương Tây. Điều này đã và sẽ gây ra những làn sóng cạnh tranh phá giá tiền tệ trong khu vực.
Thị trường chứng khoán chịu tác động của các nhà đầu tư tham lam luôn tìm cách biến thị trường thành sòng bạc. Những nỗ lực chuyển dịch quyền sở hữu cổ phiếu sang các nhà đầu tư có tổ chức và áp đặt các quy định ngặt nghèo hơn cho đến hiện tại là không hiệu quả, điều này càng khiến cho các sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến phải đương đầu với những cú sốc mỗi khi có những tin tức kinh tế xấu.
Các thị trường mới nổi mất đà tăng trưởng
Tin tức về tác động tiêu cực từ sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu và giá dầu lửa giảm đến các nền kinh tế đang phát triển liên tục xuất hiện thời gian gần đây.
Đáng chú ý là Brazil đã chính thức rơi vào suy thoái, và tình hình càng tồi tệ hơn khi tình trạng tham nhũng gia tăng. Venezuela thời hậu Hugo Chavez đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ khi mà nguồn thu từ bán dầu đang giảm rất mạnh. Nigeria, Nga và các nhà xuất khẩu dầu lửa Trung Đông cũng chịu tác động mạnh bởi giá “vàng đen” tụt dốc, càng khiến cho ngân sách các nước này thâm hụt nặng.
Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Mexico cũng đang lo đối phó với các khoản nợ DN sau khi Fed phát tín hiệu rằng thời kỳ vay nợ nhiều với lãi suất thấp sắp chấm dứt. Fed tăng lãi suất tháng 12 năm ngoái và đang có xu hướng điều chỉnh tăng, do đó gánh nặng nợ cho các DN lớn vốn quen ỷ lại vào việc vay nợ nhiều bằng đồng USD sẽ gia tăng.
Các nền kinh tế Đông Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, vốn dĩ phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc, đang gồng lên chống đỡ với những tác động xấu từ sự xuống dốc của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Lại nữa, các quốc gia này cũng còn phải đối phó với nạn tham nhũng và loay hoay với những giải pháp vực dậy nhu cầu tiêu dùng. Các khoản nợ Chính phủ chỉ mới năm ngoái thôi còn có vẻ trong tầm kiểm soát, thì nay đang vào tầm ngắm hạ chuẩn của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.
Khu vực đồng Euro với những cuộc khủng hoảng
Khi NH Trung ương Châu Âu (ECB) tuyên bố cắt giảm lãi suất xuống mức cực thấp (từ 0,15% xuống 0,05%) vào mùa thu 2014, thì cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine được xem như là rủi ro lớn nhất với những hy vọng hồi phục kinh tế trong khu vực.
Nhưng rồi những điều khó lường khác đã xảy ra, cuộc chiến Syrie và khủng hoảng người di cư châu Âu đã trở thành những mối đe dọa nghiêm trọng với sự ổn định của khu vực gồm 19 quốc gia thành viên này. Liệu ECB có còn tiếp tục cắt giảm lãi suất nữa?
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán hưởng lợi nhờ chi phí vay rẻ hơn nhưng vẫn canh cánh nỗi lo các NH châu Âu điều chỉnh giảm hạn mức cùng những biện pháp thắt chặt khác. Cổ phiếu những NH lớn ở châu Âu như Deutsche Bank, Barclays đang rất thất thường do các nhà đầu tư quay sang mua các tài sản khác an toàn hơn.
Nhiều quốc gia châu Âu vốn ổn định thì nay cũng bắt đầu hụt hơi. Phần Lan, Bồ Đào Nha đã manh nha dấu hiệu suy giảm tăng trưởng. Pháp và Ý mới nhúc nhích tăng trưởng trở lại thì đã hụt đà. Nước Đức còn khó khăn hơn khi sản lượng công nghiệp chịu nhiều áp lực do suy giảm thương mại với Trung Quốc.
Giá dầu lửa giảm mạnh
Dự phòng rủi ro với vấn đề dầu lửa của các NH Mỹ và châu Âu hiện vào khoảng 250 tỷ USD, dù vậy các nhà phân tích kinh tế vẫn cảnh báo nguy cơ xảy ra các tổn thất lớn vì giá dầu.
Theo NH Thanh toán Quốc tế (BIS), năm 2006 các khoản tín dụng và đầu tư liên quan đến các hợp đồng dầu lửa ước tính vào khoảng 455 tỷ USD, thì hiện đã lên tới 1,6 nghìn tỷ USD. Phần lớn con số này là do khi giá dầu leo thang trong giai đoạn trước thì nhiều hãng dầu lửa lớn đã vội đi vay để đầu tư khai thác dầu đá phiến ở Mỹ.
Giờ đây khi giá dầu tuột dốc không phanh thì những khoản nợ này ngày càng trở lên bất ổn. Hãng dầu khí lớn thứ 2 của Mỹ, Chesapeake Energy có thể là một ví dụ điển hình về tình trạng ngập nợ, bên bờ phá sản với khối nợ lên tới 10 tỷ USD mà giá trị thị trường của hãng chỉ được định ở mức 1,2 tỷ USD.
Không chỉ ở Mỹ, các hãng dầu lửa hoạt động ở những khu vực khai thác tốn kém như Biển Bắc cũng đang nhìn thấy lợi nhuận của mình ngày một teo tóp.
Giá dầu tiếp tục diễn biến khó lường rất dễ khiến một vài hãng dầu khí lớn lâm vào tình trạng vỡ nợ, gây những cú sốc tới NH chủ nợ và các nhà đầu tư. Điều này cũng sẽ dẫn đến những hiệu ứng va đập tới các nước có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu lửa. Doanh thu từ dầu lửa giảm cùng với sự thu hẹp từ các nguồn thu khác sẽ lại dẫn đến tình trạng thắt chặt chi tiêu và thu hẹp quy mô sản xuất hơn nữa, điều này lại càng khiến gia tăng tình trạng vỡ nợ với rất nhiều ngành sản xuất, kinh doanh khác.
Thị trường nguyên, nhiên liệu bất ổn
Trong một báo cáo cuối năm ngoái, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody đã cảnh báo về nguy cơ “vòng xoáy nợ” mới với các nhà sản xuất dầu lửa và cả các hãng khai khoáng, cung cấp nguyên nhiên liệu sản xuất. Hãng này cho rằng các công ty khai khoáng đã vay nợ khoảng 2 nghìn tỷ USD kể từ 2010 đến nay, phần nhiều trong số này được đánh giá là có rủi ro cao.
Các công ty khai khoáng đã đầu tư rất lớn khi giá kim loại cao mà nay giá giảm mạnh sẽ càng thua lỗ. Điển hình là trường hợp của hãng khai khoáng khổng lồ Glencore, hiện tổng nợ đã là 36 tỷ USD, trong khi giá thị trường của hãng là 20 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng vì Glencore có rất nhiều hợp đồng buôn bán kim loại với các công ty trên thế giới, nên rủi ro sẽ có tính dây chuyền. Nếu nó lâm vào tình trạng vỡ nợ, rất có thể một vụ Lehman Brothers nữa lại xảy ra, gây hiệu ứng vỡ nợ domino tương tự cuộc khủng hoảng NH 2008.
Bank of America đã ước tính rằng, tài sản có rủi ro của riêng Glencore lên tới hơn 100 tỷ USD. Tuy hãng vẫn mạnh miệng tuyên bố rằng nó có nhiều nguồn lực tài chính để phòng ngừa tình trạng xấu, nhưng giá nguyên, nhiên liệu cứ giảm thấp thì có thể gây những vấn đề lớn cho cả NH và các nhà đầu tư đã đổ vốn vào đại gia khai khoáng này.
Ví dụ rõ nhất là giá kim loại đồng đã giảm đến hơn nửa xuống dưới 2USD/kg kể từ năm 2011. Nguyên do chủ yếu là vì nhu cầu tiêu thụ kim loại của Trung Quốc đã giảm rất mạnh trong thời gian qua.
Với một số nền kinh tế phát triển phụ thuộc hoàn toàn vào tiêu thụ kim loại, thì khi giá kim loại xuống thấp được chút hưởng lợi, nhưng với nhiều nước phụ thuộc vào nền công nghiệp khai khoáng thì sẽ chịu tác động tiêu cực và dễ lâm vào cảnh vỡ nợ, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng nợ quốc gia.