Co-opBank: Hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển an toàn, ổn định
Thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị
Báo cáo tại Hội nghị, Phó tổng giám đốc Co-opBank Nguyễn Văn Giang cho biết, ngay từ đầu năm 2004, Co-opBank đã tập trung thực hiện tốt vai trò đầu mối của hệ thống QTDND, tích cực hỗ trợ các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả. Kết quả đến 16/12/2024, tổng nguồn vốn của Co-opBank đạt 61.840 tỷ đồng, tăng 8,50% so với 31/12/2023, trong đó tiền gửi điều hoà từ các QTDND là 46.678 tỷ đồng, tăng 7,78%.
Dư nợ cho vay đạt 36.016 tỷ đồng, tăng 16,67% so với 31/12/2023, trong đó, dư nợ cho vay các QTDND là 2.433 tỷ đồng, tăng 52,81%; Dư nợ cho vay doanh nghiệp và cá nhân là 33.573 tỷ đồng, tăng 14,74%. Dự kiến đến 31/12/2024, dư nợ cho vay là 36.110 tỷ đồng, tăng 18,1% so với 31/12/2023, trong đó dư nợ cho vay các QTDND là 2.500 tỷ đồng, tăng 57%; Dư nợ cho vay doanh nghiệp và cá nhân là 33.940 tỷ đồng, tăng 16%.
Toàn cảnh Hội nghị |
Không chỉ là những con số tăng trưởng ấn tượng trong hoạt động, Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Giang cho biết, Co-opBank luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ chính trị; tích cực hỗ trợ cho hoạt động của hệ thống phát triển an toàn, ổn định.
Cụ thể, với vai trò liên kết bảo đảm an toàn trong hoạt động của hệ thống QTDND, Co-opBank đã làm tốt công tác điều hòa vốn, tăng cường hoạt động cho vay, hoạt động nhận điều hòa vốn, hỗ trợ thành viên sử dụng dòng tiền linh hoạt và hiệu quả. Đối với QTDND được giám sát tăng cường, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, Co-opBank tạo điều kiện cho rút trước hạn tiền gửi điều hòa, hưởng lãi suất có kỳ hạn tương ứng với kỳ hạn gửi thực tế. Trong năm, Co-opBank đã nhiều lần điều chỉnh lãi suất cho vay, lãi suất huy động tiền gửi điều hòa đối với QTDND. Lãi suất cho vay QTDND giảm bình quân 1,4%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn để mở rộng tín dụng hiện nay là 5,0%/năm.
Phó thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo Co-opBank cần quyết liệt hơn trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, tài chính để sang năm có thu nhập cao hơn và hoạt động an toàn hơn. |
Để hỗ trợ hệ thống QTDND nhanh chóng bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trong các hoạt động ngân hàng, nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thành viên QTDND trong việc được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, trong những năm qua Co-opBank đã tập trung đầu tư nghiên cứu, triển khai và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số với nhiều tiện ích cho các QTDND để đưa các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt tới các thành viên, người dân trên địa bàn nông nghiệp - nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia. Đến nay, đã có 948/1.181 QTDND tham gia vào mạng lưới thanh toán của Co-opBank. Chính sách chia sẻ doanh thu và trả phí tư vấn thành viên cho các QTDND tham gia triển khai sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại của Ngân hàng Hợp tác tới khách hàng trên địa bàn đã góp phần làm tăng nguồn thu cho QTDND.
Đồng thời Co-opBank cũng vận hành tốt công tác quản lý và sử dụng Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND. Hiện tổng nguồn vốn của Quỹ bảo toàn là 896,9 tỷ đồng, không chỉ cho vay hỗ trợ các QTDND khó khăn tài chính, chi trả, Co-opBank và Quỹ bảo toàn phối hợp cùng với Hiệp hội QTDND xây dựng kế hoạch đào tạo và tổ chức triển khai tập huấn nghiệp vụ tín dụng và hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ cho các QTDND trên toàn quốc; Phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động của hệ thống QTDND. Quỹ bảo toàn phối hợp cùng Hiệp hội QTNDND và các đơn vị liên quan của Co-opBank đã triển khai xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu chung cho toàn hệ thống QTDND (bao gồm hiệu chỉnh logo, biển hiệu và xây dựng các ứng dụng liên quan đến nhận diện thương hiệu phù hợp).
Chủ tịch HĐQT Co-opBank Nguyễn Quốc Cường "Co-opBank sẽ nỗ lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bất ổn có thể xảy ra, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao , xứng đáng với vai trò là “Ngân hàng của các Quỹ tín dụng Nhân dân” |
Vai trò hỗ trợ hệ thống thêm tăng cường thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát đối với QTDND. Trong năm Co-opBank đã hoàn thành kế hoạch kiểm tra đối với 55 QTDND theo kế hoạch Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng giao. Đồng thời, Co-opBank thực hiện giám sát tình hình hoạt động của QTDND thông qua hệ thống quản lý thông tin báo cáo QTDND và qua kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ của Co-opBank.
Đối với các QTDND không đảm bảo chỉ tiêu an toàn theo quy định của NHNN, Co-opBank có văn bản tư vấn cho QTDND để thực hiện đúng quy định. Khi phát hiện những QTDND có vi phạm, sai phạm; Co-opBank có văn bản báo cáo kịp thời chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố để có biện pháp xử lý. Co-opBank đã cử 58 cán bộ đang giữ các chức vụ phó giám đốc, trưởng phòng, phó trưởng phòng của Co-opBank đi biệt phái hỗ trợ các QTDND đang gặp khó khăn, đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Kế toán trưởng hoặc tham gia Ban kiểm soát đặc biệt của QTDND tại các tỉnh: Đồng Nai, Hậu Giang, Nam Định, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh ... Các cán bộ này đều do Co-opBank trả lương cũng như mọi chi phí trong thời gian thực hiện nhiệm vụ.
Nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ nền kinh tế
Với đặc thù của Co-opBank phục vụ 1.181 QTDND, nguồn vốn nhận điều hòa thường không ổn định do tính mùa vụ. Hàng năm, Quý 1 và 2 là thời điểm số dư nhận điều hòa vốn tăng mạnh, lên tới 30% so với cuối năm trước, sang quý 3 số dư nhận điều hòa vốn sẽ ở mức duy trì và Quý 4 là thời điểm QTDND rút tiền gửi và xin vay điều hòa vốn để chỉ trả và cho vay thành viên, số dư nhận tiền gửi điều hòa vốn sụt giảm nhanh đến gần 30% so với thời điểm gửi cao nhất trong năm.
Trong bối cảnh đó, Co-opBank luôn phải áp dụng nhiều kênh giao dịch vốn trên thị trường để cân đối sử dụng linh hoạt nguồn vốn dư thừa/thiếu hụt tạm thời, đảm bảo vừa an toàn thanh khoản hệ thống, vừa đủ tài chính chi trả lãi tiền gửi điều hòa. Như trong năm 2024, nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Co-opBank thời điểm cao nhất hơn 33.600 tỷ đồng (chiếm 50% tổng nguồn vốn). Co-opBank đã cân đối sử dụng nguồn vốn vào các nghiệp vụ giao dịch vốn trên thị trường tiền tệ, đầu tư trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN, gửi tiền tại các Ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần có tín nhiệm cao nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản và nâng cao hiệu quả hoạt động của NΗΗΤ.
Tồng giám đốc Co-opBank Phạm Thị Hồng Minh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 |
Bên cạnh đó, Co-opBank cũng phát huy vai trò của một NHTM cung ứng vốn hỗ trợ nền kinh tế. Với việc được chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024, Co-opBank đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm cho vay với nhiều ưu đãi, lãi suất hấp dẫn hỗ trợ DN và người dân thúc đẩy phát triển kinh tế đặc biệt khu vực nông nghiệp nông thôn như: Cho vay “Yên tâm lãi suất- Bứt tốc thành công; "Vay gắn bó- Có tri ân”, “Lái ngay xế yêu”, "Co-opBank- Gắn kết yêu thương”. Năm 2024, Co-opBank tiếp tục có nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, cá nhân với mức giảm bình quân 1,8%/năm.
Co-opBank đã áp dụng kịp thời các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng vay vốn, nhất là các khách hàng thuộc ngành sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi). Hiện tại, Co-opBank đang hỗ trợ 45 khách hàng chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ là 35,02 tỷ đồng.
Đồng thời với tăng trưởng tín dụng, Co-opBank tập trung công tác xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Dự kiến đến 31/12/2024, dư nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 0,80% tổng dư nợ.
Các điểm tựa phát triển bền vững ngày càng được gia cố vững chắc từ việc tăng cường đào tạo nhân lực và tái cấu trúc. Trong năm 2024, Co-opBank đào tạo trực tuyến cho hơn 12.000 lượt cán bộ Chi nhánh Co-opBank về các nghiệp vụ như tín dụng, kế toán ngân quỹ, thu hồi nợ xấu, thanh toán chuyển tiền, ngân hàng số, an toàn thông tin… Đồng thời phối hợp với một số đơn vị đào tạo uy tín để triển khai các chương trình đào tạo trực tiếp cho một số cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo. Co-opBank tiếp tục tái cấu trúc các đơn vị tại Trụ sở chính theo mô hình đã duyệt và điều kiện thực tiễn, cụ thể: thành lập Ban Thư ký - Đối ngoại và Truyền thông - Thương hiệu; Ban Pháp chế và Kiểm soát tuân thủ, Ban Đảng Đoàn, kiện toàn và đổi tên Khối Nhân sự thành Khối Nhân sự và Đào tạo. Các đơn vị mới chính thức hoạt động từ ngày 01/07/2024.
Phó thống đốc Đào Minh Tú trao cơ thi đua của NHNN cho các đơn vị |
Tuy nhiên, Co-opBank vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ đối với QTDND do năng lực tài chính còn rất hạn chế với vốn điều lệ sau gần 30 năm hoạt động đạt 3.029 tỷ đồng, vì vậy Co-opBank gặp rất nhiều khó khăn, chưa thể đầu tư, phát triển như kỳ vọng để đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của hệ thống về hỗ trợ sản phẩm dịch vụ, chuyển đổi số, thương hiệu, đào tạo. Hành lang pháp lý chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh để Co-opBank thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ nhiệm vụ đối với hệ thống QTDND.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2024 nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực và quyết tâm chính trị cao của Ban lãnh đạo NHNN và các đơn vị cùng toàn thể cán bộ trong Ngành, ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, góp phần cùng cả hệ thống chính trị từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần hỗ trợ tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong kết quả chung của ngành Ngân hàng có sự đóng góp của Ngân hàng Hợp tác xã với vai trò là ngân hàng đầu mối, hỗ trợ gần 1.200 QTDND thành viên cung ứng nguồn vốn phục vụ thành viên và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
“Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, tôi ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và kết quả Ngân hàng Hợp tác xã đã đạt được trong năm 2024” Phó Thống đốc phát biểu và kỳ vọng những thành quả này sẽ tạo đà phát triển mới cho Co-opBank, gia tăng niềm tin với các QTDND và là cơ sở để Co-opBank đón nhận những cơ hội và khó khăn thách thức phía trước.
Phó Thống đốc cũng chỉ ra cơ hội và trong trách mới cho Co-opBank cũng như toàn ngành Ngân hàng trong thời khắc lịch sử khi năm 2025 là năm gối tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIV với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội phải hoàn thành tạo tiền đề, để nước ta bước vào kỷ nguyên mới; năm đại hội đảng các cấp, có nhiều ngày kỷ niệm trong đại của đất nước như 50 năm Giải phóng miền năm, 80 năm giành độc lập dận tộc…
“Những sự kiện lớn này đặt ra cả về trách nhiệm và nhìn nhận về tương lai của chúng ta sẽ làm gì để góp phần đạt mục tiêu mà Đảng đặt ra tại thời điểm 100 năm thành lập nước", Phó Thống đốc nói.
Các đơn vị nhận cờ thi đua của Tồng liên đoàn Lao động Việt Nam |
Đồng thuận với 10 nhiệm vụ mà Co-opBank đặt ra trong năm 2025, Phó Thống đốc nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ trọng tâm Co-opBank cần làm trong thời gian tới.
Một là, tiếp tục rà soát nghiên cứu các văn bản, hướng dẫn về mô hình tín dụng hợp tác xã để trong đó có Luật các TCTD có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và các thông tư, văn bản khác để tuyên truyền không chỉ trong Co-opBank mà cả hệ thống QTDND để thực hiện cho đúng, cho tốt. Về phía Co-opBank cần tiếp tục triển khai, ban hành hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm Co-opBank dựa trên trên hướng dẫn của NHNN.
Hai là, Co-opBank cần xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2025 trên tinh thần quyết liệt hơn năm 2024. Ông nhấn mạnh với lực lượng cán bộ rất hùng hậu hiện nay của Co-opBank cần mạnh dạn hơn trong giao khoán chỉ tiêu và phải quyết liệt hơn trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, tài chính để sang năm có thu nhập cao hơn, và hoạt động an toàn hơn.
Ba là, tiếp tục làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tiếp tục khẳng định vai trò là ngân hàng đầu mối liên kết hệ thống QTDND.
Phó Thống đốc cũng yêu cầu Co-opBank tiếp tục thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp theo đúng lộ trình đã đề ra tại Phương án cơ cấu lại Co-opBank gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với NHNN trong việc trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt việc hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Co-opBank từ nguồn ngân sách nhà nước; Thực hiện các giải pháp tăng tưởng tín dụng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Tăng cường công tác kiểm tra QTDND theo chỉ đạo của NHNN.
Cho biết năm 2025 ghi dấu 30 năm thành lập, Co-opBank và 35 năm hình thành và phát triển của hệ thống QTDND, ông nhấn mạnh QTDND và Co-opBank mặc dù là 2 hai TCTD có pháp nhân độc lập nhưng là một thể thống nhất để phát triển mô hình tín dụng hợp tác xã. Lại đặt trong bối cảnh kinh tế vận động nhanh mạnh, Phó Thống đốc giao nhiêm vụ cho Co-opBank ngay sau khi bước vào năm mới phối hợp cùng các đơn vị đầu mối tổng kết đánh giá thấu đáo mô hình hoạt động của quỹ sau 35 năm kể từ khi thí điểm cũng như vai trò Co-opBank 30 năm từ đó đề xuất đường hướng phát triển mới trong đó Co-opbank phải đủ lớn, để hỗ trợ hệ thống.
Ghi nhận các chỉ đạo của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Chủ tịch HĐQT Co-opBank Nguyễn Quốc Cường cho biết, sẽ tiếp thu và đưa vào kế hoạch hành động năm 2025 và những năm tới.
Để thực hiện các nhiệm vụ trong tâm của Ngành Ngân hàng trong năm 2025, Co-opBank sẽ xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2025 bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch và giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Triển khai đồng bộ các giải pháp về điều hòa vốn, tiền gửi, tiền vay... Đặc biệt chú trọng đến đảm bảo thanh khoản chung và cho hệ thống QTDND, các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Co-opBank cũng sẽ triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; Giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ QTDND theo kế hoạch của NHNN; Nâng cao năng lực quản trị, điều hành; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM); Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của NHHTX hướng đến các QTDND; Đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Tổng giám đốc Co-opBank Phạm Thị Hồng Minh |