ADB: Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2017
Xuất khẩu được dự báo sẽ tăng trưởng 10% trong vòng 2 năm tới |
Báo cáo ghi nhận rằng những mức kỷ lục được duy trì trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ thúc đẩy ngành chế tạo trong nước, đồng thời giúp tăng nguồn thu từ xuất khẩu của Việt Nam ngay cả khi dòng thương mại khu vực và toàn cầu tiếp tục suy giảm. Tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh của Việt Nam, được dự báo tăng gấp đôi so với hiện nay lên 33 triệu người vào năm 2030, cũng sẽ giúp gia tăng tiêu dùng cá nhân và thúc đẩy thương mại bán lẻ.
Bên cạnh đó, sản lượng nông nghiệp được dự báo tăng nhẹ trong năm 2017 với viễn cảnh giá lương thực toàn cầu tăng và thời tiết bớt biến động hơn. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng khu vực này tiếp tục tăng trưởng chậm hơn so với phần còn lại của nền kinh tế Việt Nam, làm giảm đà tăng trưởng chung.
Cũng theo báo cáo, khi tốc độ tăng trưởng tăng lên, lạm phát cũng được dự báo sẽ tăng đến 4,0% trong năm nay và 5,0% trong năm 2018. Dự báo về việc tăng giá nhiên liệu và lương thực toàn cầu cũng như lãi suất đôla Mỹ cùng với việc đồng đôla mạnh lên là những yếu tố làm gia tăng lạm phát từ nước ngoài đưa vào. Một nguyên nhân nữa làm cho lạm phát tăng là việc tiếp tục triển khai lộ trình điều hành giá cả trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, điện, nước và lương tối thiểu.
Tăng trưởng cao và lạm phát tăng sẽ làm cho thặng dư tài khoản vãng lai giảm xuống. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá được dự báo sẽ tăng với tốc độ 10%/năm trong vòng 2 năm tới khi các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu đi vào sản xuất và các hiệp định thương mại tự do mới có hiệu lực. Kim ngạch nhập khẩu dự báo sẽ còn tăng nhanh hơn vì các luồng vốn đầu tư FDI lớn hơn sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá vốn và đầu vào cho sản xuất. Do vậy, mức thặng dư tài khoản vãng lai hiện nay được dự báo sẽ giảm xuống còn 2,0% GDP trong năm nay và 2,5% GDP trong năm 2018.
Một nguy cơ khác đối với triển vọng tăng trưởng là khả năng cầu thế giới đột ngột yếu đi. Tốc độ tăng trưởng sút giảm của nền kinh tế Trung Quốc – một bạn hàng lớn của Việt Nam – sẽ làm suy yếu vị thế thương mại của Việt Nam. Ngoài ra, nếu tình hình tài chính toàn cầu có biến động xấu cũng sẽ có ảnh hưởng lan toả đến thị trường trong nước, ngay cả khi thị trường vốn của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mở cửa.
Liên quan đến khu vực ngân hàng, Báo cáo cho biết, tỷ lệ đủ vốn (CAR) được báo cáo ước đạt 12,8% tại thời điểm cuối năm 2016, cao hơn khá đáng kể so với mức tối thiểu 9% do ngân hàng trung ương quy định, song lại không được tính theo chuẩn mực quốc tế Basel II. Theo kế hoạch của chính phủ, tất cả các ngân hàng thương mại sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn vốn theo Basel II vào năm 2020, đồng nghĩa với việc nhiều ngân hàng sẽ cần phải được bơm thêm vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
"Việc này đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải được cải thiện đáng kể, bao gồm việc nâng trần sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng", Báo cáo lưu ý.