Bài học cho những ước mơ
Ảnh minh họa |
Trong hành trình tìm kiếm tư liệu của tôi, nhiều lần ngòi bút rung lên nỗi xúc động cảm thông, sẻ chia với các nạn nhân. Họ là những người nông dân nghèo ở Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, hay ngược lên Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang… Nơi đâu cũng có những người xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Một niềm tin gửi gắm. Một sự kỳ vọng vào cuộc sống khấm khá hơn. Vậy là, họ chuẩn bị tiền chạy các đường dây, tìm mối lái. Họ cho con em học tiếng nước ngoài, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con ra đi. Tất nhiên, số tiền họ chuẩn bị để có một suất đi xuất khẩu lao động là một gia tài lớn.
Nhiều gia đình không có tiền, đã cầm cố sổ đỏ, vay lãi để lo lót được một suất cho con. Đến nỗi, xuất khẩu lao động đã trở thành cơn bão hoành hành ở các làng quê.
Các cơ quan chức năng đã cảnh báo, lao động ở nước ngoài vất vả, kiếm được đồng tiền chẳng dễ dàng gì. Hơn thế chuyện nhiều người lựa chọn theo các công ty môi giới, đi “chui” và làm cho những công ty hoạt động bất hợp pháp là điều nguy hiểm nhất.
Thế mà, người dân ta vẫn cố đi cho bằng được theo kiểu “điếc không sợ súng”. Đau thương đã thấy và thấm thía, hiểm họa vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Người nhẹ thì bị lừa lọc, người nặng thì mất mạng vì làm “chui”, sống cảnh màn trời chiếu đất.
Đến giờ, sau hơn một năm gặp bà con ở thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng (TP. Hải Dương), bi kịch bị lừa vẫn còn nhức nhối. Chẳng là, nhiều hộ gia đình như ông Nguyễn Huy Chiến, Nguyễn Nhân Khóa đã vay tiền lãi của ngân hàng, nộp tiền vào một đường dây để chờ cho con xuất ngoại. Nhưng mấy năm con cái vẫn chưa đi được, tiền lãi đội lên, ngân hàng đến niêm phong nhà. Trong khi kẻ lừa đảo thì đã vào tù, để lại cho các nạn nhân nỗi nhức nhối không bao giờ nguôi.
Hay như vụ 14 người chết, 1 người bị thương trong đám cháy xưởng may ở thị trấn Yegoryevsk, ngoại ô Matxcơva (Nga) ngày 13/9/2012 gây xôn xao dư luận và biết bao nỗi đau cho gia đình các nạn nhân.
Đến giờ vẫn là một bài học đau lòng. Và nhiều chuyên gia cảnh báo, đó chỉ là “giọt nước tràn ly”, cho thấy những bi kịch và hiểm họa mà người lao động Việt Nam bán sức ở nước ngoài gặp phải rất nhiều. Nhưng ước mơ xuất ngoại vẫn chưa bao giờ tắt. Hiển nhiên, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.
Mới đây, đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động tại xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ), một lần nữa cho thấy rủi ro của con đường làm giàu này cần phải được cảnh báo nhiều hơn nữa.
Nguyên chủ tịch UBND xã Thạch Sơn đã lừa của các nạn nhân số tiền hơn hai tỷ đồng. Nhiều người trong số đó là các hộ nghèo, ước mơ cho con xuất khẩu lao động để về cải tạo lại gian nhà, nâng cao đời sống. Rốt cục, nghèo vẫn hoàn nghèo.
Nhưng có một điều mà chúng tôi nắm được, là trong số những nạn nhân được kẻ lừa đảo “vẽ vời” về sự sung sướng, thu nhập cao ở đảo Síp đã quá cả tin. Điều kiện đưa ra đối với những người lao động lại quá dễ dàng: Chỉ cần nộp 120 triệu đồng/người là xong, sau đó cứ xách hành lý lên đường luôn, không phải lo bất kỳ một loại giấy tờ, thủ tục nào cả. Ngay cả giấy tờ, hợp đồng cũng chỉ có người nộp tiền ký, còn công ty, hay đối tác chẳng có tên, tuổi, địa chỉ.
Sự việc cho thấy, bà con đặt niềm tin nhầm chỗ đã đành, ngay cả kiến thức cũng thiếu. Vậy là họ lại cộng thêm vào số những người có ước mơ xuất ngoại, gia tăng số nợ nần. Về quê, gặp bà con, họ đã khóc. Những giọt nước mắt muộn mằn nơi miền quê thôn dã khiến người ta mủi lòng. Lúc này, họ cần hơn bao giờ hết, sự hỗ trợ của anh em họ hàng, các cấp chính quyền địa phương để trả nợ, tìm kiếm việc làm.
Những ước mơ, sự cả tin của người nông dân đã phải trả giá bằng nước mắt và bao nhức nhối. Hy vọng rằng, nhiều người sẽ rút được bài học, để cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định… ước mơ!