Bao giờ mới hết… vỡ nợ cà phê
“Bão” vỡ nợ cà phê diễn biến phức tạp |
Trắng tay vì ký gửi cà phê
Việc một đại lý cà phê đã hoạt động gần 6 năm nay, được nhiều bà con nông dân trong vùng tin tưởng, bỗng chốc tuyên bố vỡ nợ, đã gây hoang mang trong dư luận ở địa phương.
Theo đó, hàng chục nạn nhân đã ký gửi cà phê như ngồi trên đống lửa khi bà Niềm tuyên bố vỡ nợ. Trong số nạn nhân ký gửi cà phê cho bà Đoàn Thị Niềm, người nhiều lên gần 50 tấn, người ít cũng vài ba tấn. Đây là số tài sản lớn của nhiều gia đình, khi trước đó họ đã phải đầu tư phân bón, nhân công chăm sóc cho cây cà phê hàng tháng trời. Đến thời điểm chốt giá bán, trong kho của đại lý đã không còn một hạt cà phê nào.
Trong số nạn nhân của bà Đoàn Thị Niềm có ông Phạm Văn Khiêm trú xã Ia Krái. Ông Khiêm cho biết, sau khi thu hoạch vụ cà phê vừa qua, gia đình có ký gửi cho đại lý cà phê của bà Niềm gần 10 tấn cà phê, nhưng mới chỉ cắt giá bán được 0,7 tấn. Số cà phê còn lại vẫn gửi trong kho, mới đây khi giá cà phê trên thị trường có dấu hiệu gia tăng, ông định lên kế hoạch bán.
Thế nhưng, khi nghe tin đại lý cà phê của bà Đoàn Thị Niềm tuyên bố vỡ nợ, ông hết sức lo lắng với số cà phê đã ký gửi. Bởi, với giá trên thị trường như hiện nay hơn 9 tấn cà phê của gia đình lên đến khoảng hơn 320 triệu đồng.
Tương tự, bà Võ Thị Phượng trú cùng địa phương cũng như đang ngồi trên lửa, với 25 tấn cà phê trị giá hơn 1 tỷ đồng đã gửi vào đại lý của bà Đoàn Thị Niềm. Theo đại diện công an xã Ia Krá́i bước đầu, theo trình báo của người dân, hiện bà Niềm còn nợ của 47 hộ dân là hơn 200 tấn cà phê trị giá hàng tỷ đồng…
Việc đại lý cà phê tuyên bố vỡ nợ ở Gia Lai nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung không phải là chuyện hiếm. Trước đó, cũng trên địa bàn Gia Lai đã xảy ra nhiều vụ vỡ nợ cà phê lên đến hàng chục tỷ đồng.
Đơn cử như việc nhiều hộ dân ở thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông làm đơn tố cáo 2 cơ sở thu mua cà phê trên địa bàn tuyên bố vỡ nợ, không trả tiền cà phê của họ đã ký gửi là đại lý Bình Hằng của ông Nguyễn Văn Cường và Hùng Bằng của ông Nguyễn Văn Hùng cùng ở thị trấn Chư Prông.
Theo đó, cơ sở Bình Hằng nợ khoảng 10 tỷ đồng và Hùng Bằng vỡ nợ khoảng 18 tỷ đồng. Hay vụ việc hàng chục người dân kéo đến đại lý cà phê Khương Nhung ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai để gây sức ép. Trước đó, họ đã bán cà phê cho đại lý này mà không nhận được tiền, trong khi chủ đại lý cao chạy xa bay với tiền tỷ...
Buôn bán dựa vào… niềm tin
Những năm gần đây, người trồng cà phê ở Tây Nguyên luôn đối mặt với tình trạng vỡ nợ cà phê. Theo đó, sau khi thu hoạch cà phê, giá cà phê thường xuống thấp nên người dân ký gửi tại các đại lý chờ giá cao để bán. Một khi đại lý nào đó xây dựng được lòng tin trong dân thì càng nhận được nhiều cà phê ký gửi.
Nếu mọi việc làm ăn suôn sẻ, nghiêm túc theo đúng thoả thuận giữa hai bên thì vỡ nợ khó xảy ra. Song, nếu các đại lý làm ăn không rõ ràng, mang tính đầu cơ trục lợi trên mồ hôi nước mắt của người nông dân, việc vỡ nợ, lừa đảo hoàn toàn có thể xảy ra…
Trên thực tế, việc giao dịch giữa chủ đại lý và người nông dân rất đơn giản, khi chỉ cần ký giấy xác nhận là ngày nào, tháng nào đã giao nhận bao nhiêu cà phê. Có nhiều trường hợp nông dân ký gửi cà phê vào kho của đại lý, nhưng chủ đại lý lại xuất bán lấy tiền đầu tư vào bất động sản, hoặc vào lĩnh vực khác…
Khi cà phê trên thị trường tăng giá, nông dân đến chốt giá để lấy tiền, nhưng số cà phê của họ đã bị các chủ đại lý bán từ lâu. Trong khi, hầu hết các đại lý thường đầu cơ chờ thời mà không sử dụng công cụ bảo hiểm qua sàn giao dịch. Do vậy, khi xảy ra vỡ nợ, người nông dân thường phải gánh chịu hậu quả.
Điều nguy hiểm hơn khi việc vỡ nợ cà phê còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các TCTD. Bởi, nông dân vay vốn ngân hàng để đầu tư cà phê, khi xảy ra vỡ nợ, người dân trắng tay, việc thu nợ của ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu chủ các đại lý cà phê bỏ trốn, thì mọi việc dễ dàng để cơ quan chức năng xử lý, khi có điều kiện để quy vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hoặc “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, đại đa số các đại lý sau khi lỡ vỡ nợ hoặc cố tình vỡ nợ đã không lựa chọn con đường này. Thông thường, họ điềm tĩnh xuất hiện trước nông dân, thừa nhận vỡ nợ và khất nợ. Nông dân phải chờ đợi, cơ quan chức năng cũng khó xử lý.
Ngoài ra, việc vào cuộc thiếu trách nhiệm, thiếu sự ngăn chặn tận gốc của cơ quan chức năng đã khiến việc vỡ nợ cà phê tồn tại dai dẳng, để lại hậu quả khó lường như hiện nay. Do vậy, thiết nghĩ đã đến lúc, cơ quan chức năng cần có cơ chế, quản lý đại lý nhận ký gửi cà phê. Từ đó hướng đến sự chuyên nghiệp khi thành lập hệ thống các đại lý có giấy phép của cơ quan chức năng.
Đồng thời, cần có những chính sách đồng bộ về thu mua tạm trữ cà phê có điều kiện tài chính, kho hàng, kinh nghiệm. Có như vậy, mới góp phần giảm thiểu những vụ vỡ nợ cà phê khiến nhiều người dân bỗng chốc trắng tay như hiện nay.