Bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong CMCN 4.0
4 xu hướng của ngành phân phối - bán lẻ trong Cách mạng công nghiệp 4.0 | |
Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam: Toàn xã hội mới quyết định thắng lợi này |
Sáng 3/10/2019 đã diễn ra phiên toàn thể Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 |
Thể chế phải đi trước một bước
Hình ảnh những người nông dân sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận và cập nhật thông tin (từ thông tin thị trường tới kỹ thuật canh tác, nuôi trồng…) đã trở nên phổ biến.
Không dừng lại ở đó mà các “doanh nông” còn sử dụng các phương tiện công nghệ để tiếp cận khách hàng, tiếp thị các sản phẩm của mình. Những hình ảnh thực tế như vậy đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực ngành nghề, mọi tổ chức và cá nhân. Những ích lợi của kỷ nguyên số vì thế là điều không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, những thách thức mà CMCN 4.0 đưa tới, cùng với những hạn chế và bất cập nội tại nếu không được hóa giải thì không những không tận dụng được lợi ích và cơ hội của CMCN 4.0, mà có thể còn khiến Việt Nam tụt hậu xa hơn. Những vướng mắc, hạn chế, bất cập đã được chỉ ra tại Nghị quyết 52-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 27/9 vừa qua, trong đó nhận định mức độ chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 của nước ta còn thấp, thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập…
“Nghị quyết 52 đã thể hiện rõ quan điểm và sự quyết tâm của Đảng khi coi chủ động tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời nhận thức đầy đủ đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc CMCN 4.0 để có quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế, xã hội”, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0” sáng 3/10/2019.
Nghị quyết 52 đã chỉ rõ, sự chủ động ở đây không chỉ để nắm bắt kịp thời và tận dụng hiệu quả các cơ hội, thành tựu tiên tiến của cuộc CMCN 4.0 để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên mà còn phải chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn, công bằng xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển đất nước.
Nói cách khác, nó đòi hỏi các cấp hoạch định chính sách của chúng ta phải có những thay đổi hết sức mạnh mẽ và phải có đầy đủ kiến thức có thể nhận biết, nhận dạng quá trình phát triển của CMCN 4.0 và phải có bản lĩnh chính trị để vừa thích ứng, đồng thời vừa lường đón được các tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này, từ đó có những biện pháp phòng ngừa chủ động hiệu quả.
“Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số tạo ra mô hình mới, lực lượng lao động mới, nhanh chóng, bùng nổ… cuộc CMCN 4.0 đã và đang khiến khuôn khổ thể chế truyền thống không còn phù hợp. Nếu vẫn duy trì thể chế này sẽ kìm hãm phát triển”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Chuyển đổi số là tất yếu
Một trong những mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết 52 đặt ra là đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP. Để đạt được điều này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển và có các giải pháp đột phá; trong đó, chuyển đổi số là một trong những giải pháp tất yếu để Việt Nam tận dụng được cuộc cách mạng này.
“Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội để vượt lên trở thành một nước phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh và thông tin: “Năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số”.
Diễn đàn diễn ra đúng một tuần sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52 phần nào cho thấy những nỗ lực hành động nhằm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Phát biểu tại phiên toàn thể của diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt. Chắc chắn ngoài những đề án, dự án cụ thể, Chính phủ cũng sẽ có chương trình hành động để thực hiện nghị quyết này”.
Nhìn lại những tiến triển cụ thể sau một năm kể từ diễn đàn năm ngoái, Phó Thủ tướng cho rằng thực sự đã có những bước tiến đáng kể. Dẫn chứng là tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, cao hơn nhiều năm gần đây và tin rằng năm nay kinh tế Việt Nam cũng sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 7%.
Đáng chú ý là trong tăng trưởng đó, chế tác, chế tạo và hàm lượng công nghệ đang tăng lên. Bên cạnh đó, năm 2019, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đã tăng 3 bậc, từ thứ 45 lên đứng thứ 42 thế giới. Chỉ số về phát triển Chính phủ điện tử, trong đó chỉ số trực tiếp nhất là cung cấp dịch vụ công trực tuyến, năm vừa qua Việt Nam cũng đã tăng 15 bậc, lên thứ 59 thế giới. Đối với Chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu, năm 2019 chỉ số này của Việt Nam đã tăng 50 bậc, vươn lên vị trí thứ 50 trên thế giới…
Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng, thời gian tới chúng ta cần phải làm quyết liệt hơn nữa, đặc biệt cần tập trung làm tốt hai nhiệm vụ quan trọng. Đó là, quyết tâm tiếp tục làm tốt hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, phải làm tốt vấn đề cốt lõi nhất là nguồn nhân lực “Cuộc CMCN 4.0 có nhiều đặc trưng, nhưng trong đó có một đặc điểm là nó sẽ diễn ra theo hướng hết sức khó đo đếm trước, khó lường.
Và vì thế, cần phải có được những con người sẵn sàng tận dụng được các thời cơ, tránh những rủi ro, sẵn sàng thích ứng, có những giải pháp linh hoạt với những thay đổi ngày mai mà hôm nay chúng ta chưa lường một cách chính xác được”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Chia sẻ tại phiên toàn thể, Diễn đàn Industry 4.0 Summit 2019, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định: “Nghị quyết 52 sẽ giúp ngành Ngân hàng mạnh mẽ hơn, nhanh chóng hơn nữa trong lộ trình chuyển đổi số. Theo đó, ba định hướng trọng tâm trong thời gian tới gồm: Một là, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động ngân hàng số, trình Thủ tướng Chính phủ về đề án cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát với hoạt động Fintech, chỉ đạo các ngân hàng phê duyệt và triển khai chiến lược về ngân hàng số. Hai là, tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ cho chia sẻ, cung ứng các sản phẩm số và tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ, ngành, lĩnh vực còn lại để mở rộng hệ sinh thái. Ba là, nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại để triển khai các dịch vụ ngân hàng trên điện thoại thông minh, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, tăng cường an ninh bảo mật và bảo vệ thông tin khách hàng. |