Biến tiềm năng thành động lực phát triển
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, ngành du lịch Việt Nam được đánh giá là "ngôi sao đang lên" với tốc độ tăng trưởng đứng đầu thế giới. Tổng kết 9 tháng 2019, Việt Nam đón hơn 12,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước; 66 triệu lượt khách du lịch nội địa với tổng doanh thu đạt 504 nghìn tỷ đồng. Đến nay, ngành du lịch không những đang đóng góp không nhỏ cho GDP mà còn có tác động tích cực đến nhiều ngành kinh tế khác của đất nước.
Luôn phải xử lý vấn đề hài hòa giữa bảo tồn và phát triển |
Được đánh giá là nhiều tiềm năng phát triển, theo Tổ chức Du lịch thế giới, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam xếp thứ 34/140 thế giới, tài nguyên văn hóa đứng thứ 29… Bên cạnh đó, về nguồn nhân lực, các DN Việt Nam có thể xây dựng những khách sạn, resort đẳng cấp, các DN lữ hành điều hành tour, DN quản lý khách sạn, resort đều làm rất tốt.
TS. Đỗ Cẩm Thơ - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Du lịch cho rằng, rõ ràng thiên nhiên Việt Nam đẹp, tài nguyên văn hóa dồi dào, con người sáng tạo, nhưng thực tế hiện nay, việc khai thác tiềm năng và phát huy những giá trị này thì vẫn còn thua kém xa so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore... Sở dĩ như vậy là do ngành du lịch Việt Nam đang tồn tại nhiều vướng mắc về quản lý, các yếu tố liên quan đến bền vững về môi trường, cơ sở hạ tầng du lịch… Cùng với đó, vấn đề liên kết giữa du lịch với các ngành kinh tế khác còn rất lỏng lẻo... Trong số các điểm nghẽn đó, quan điểm phát triển bền vững đang là vấn đề "nóng" và sẽ trở thành nút thắt rất lớn nếu không nhanh chóng được giải quyết.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trường Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho rằng, với các con số ấn tượng về lượng khách, tốc độ phát triển của du lịch trong thời gian qua, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng du lịch Việt Nam đang trên đường để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên để làm được điều đó, du lịch Việt Nam cần phải nhanh chóng trả lời được những câu hỏi cụ thể là tại sao trên 80% khách đến Việt Nam không quay lại? chi tiêu của du khách chưa vượt quá được 90 USD/ngày? Và tại sao chỉ số lưu trú của du khách không vượt 2,6 ngày?... Để từ đó xây dựng cho lĩnh vực này một chiến lược bài bản, dài hơi chứ không thể theo kiểu “ăn xổi ở thì” được. Hiện nay, mặc dù du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng nhưng chưa được đối xử đúng mức, chưa được quan tâm để xử lý các vấn đề một cách rốt ráo.
Phân tích dưới góc độ kinh tế, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh, Việt Nam muốn bứt phá, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì cần đi theo hướng khai thác sự khác biệt, đặc sắc và đẳng cấp, vượt lên chính mình chứ không chỉ chạy theo “nguyên lý sản lượng”.
“Nếu chỉ nhăm nhăm chuyện năm nay đón 15 triệu thì năm sau phải lên được 17 hay 25 triệu khách thì không ổn. Điều này sẽ khiến du lịch chỉ tăng về lượng mà không có chất, không đi vào chiều sâu. Ngay từ đầu phải hướng tới các giá trị gia tăng cao hơn; khách có thể đến ít nhưng phải chi tiêu nhiều, phải làm du lịch xứng đáng với tài nguyên, theo hướng giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên, chứ không khai thác một cách triệt để” – TS. Thiên nói.
Cùng quan điểm đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cần những “con sếu đầu đàn” là những tập đoàn lớn, có thực lực và đẳng cấp để có thể đầu tư phát triển du lịch. Đây phải là những người kiến tạo những mô hình du lịch hiện đại, ví dụ như SunGroup, VinGroup, FLC… Cùng với đó, cần thống nhất về nguyên lý rằng, bảo tồn thiên nhiên là cần thiết cho cả hiện tại và mai sau. Nhưng nếu mãi giữ khư khư vẻ đẹp tự nhiên mà không phát triển thì sẽ rất lãng phí.
Đơn cử, khu dự trữ sinh quyển Giao Thủy (Nam Định) trước đây được bảo vệ hoàn toàn, ngay cả người dân cũng bị cấm vào. Điều này dẫn đến tình trạng các nguồn lợi thủy sản dồi dào bị bỏ không trong khi người dân xung quanh đói nghèo. Sau đó, khi có cơ chế đặc thù và được cho phép khai thác, không chỉ đời sống người dân được thay đổi mà bản thân họ cũng tích cực tham gia vào trồng rừng, bảo vệ môi trường...
Hay như, vùng đất ngập nước Vân Long ở huyện Gia Viễn của tỉnh Ninh Bình. Sau khi trở thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ, nhiều dự án xin phát triển du lịch sinh thái được đề xuất và chấp thuận đưa vào khai thác. Từ đây, cả một vùng đất được đổi thay và nơi này trở thành khu du lịch được nhiều người biết đến. Dân địa phương, từ những người làm lúa 1 năm chưa tới 2 vụ, thì nay thu nhập tăng lên rất nhiều khi khai thác du lịch. Từ đó Vân Long và cả huyện Gia Viễn chính thức thoát nghèo.
“Rõ ràng, sự tham gia đầu tư của DN đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, luôn phải xử lý vấn đề hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Do đó, để có cái nhìn đúng đắn và toàn diện về ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước cần đặt vấn đề trong tổng thể lợi ích phát triển quốc gia chứ không thể nhìn một chiều”- chuyên gia nêu quan điểm.