Bitcoin và những niềm đau
Tuần qua, thị trường chứng kiến sự rớt giá thảm hại của vua tiền ảo Bitcoin xuống dưới 3.500 USD. Có một sự trùng hợp “đau đớn” khi cũng vào tuần từ ngày 3/12 đến 7/12 của năm trước, đồng Bitcoin từ vài chục cent đã tăng lên đến gần 20.000 USD. Đồng Bitcoin vừa kỷ niệm sinh nhật 10 tuổi không lâu, song những lời chúc mừng đồng tiền ảo này dường như không trở thành hiện thực.
Ảnh minh họa |
Chỉ số Bloomberg Galaxy Crypto - theo dõi nhiều đồng tiền số lớn, đã giảm tới 10% vào ngày 6/12 vừa qua. Hiện tượng lao dốc Bitcoin liệu có là hồi chuông cảnh báo cho tương lai tăm tối của tiền ảo?
Bình tĩnh mà suy xét có thể thấy ngay thời điểm Bitcoin tăng giá phi mã tháng 12/2017 thì chu kỳ giảm giá đã bắt đầu. Việc này không chỉ bởi quy luật hình Sin, mà còn do tại thời điểm đó chính phủ các nước đã lo ngại bong bóng Bitcoin vỡ sẽ đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính, dẫn đến những bất ổn về an ninh, an toàn xã hội. Nhiều nước đã nhanh chóng siết chặt quản lý đồng Bitcoin và các loại tiền ảo khác.
Tháng 1/2018, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã yêu cầu các NHTM nước này dừng tất cả các dịch vụ có liên quan đến giao dịch tiền ảo. Dịch vụ dành cho giao dịch tiền ảo bị cấm tuyệt đối... Tháng 1/2018 Hàn Quốc đã cấm giao dịch Bitcoin ẩn danh và ra quy định người nước ngoài và nhà đầu tư chưa đủ tuổi cũng bị cấm mở tài khoản tiền số tại quốc gia này. Tháng 2/2018, chính phủ Ấn Độ công bố không coi các đồng tiền mã hóa là hợp pháp. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã quyết định cấm các ngân hàng chịu sự quản lý của RBI cung cấp dịch vụ chuyển tiền từ tài khoản vào ví bitcoin.
Phó Thống đốc RBI từng phát biểu: các đồng tiền ảo hủy hoại mọi nỗ lực chống rửa tiền. Tiền ảo có khả năng đe dọa sự ổn định tài chính nếu được phép phát triển quá mức… Từ tháng 2/2018, NHTW Thái Lan cũng đã cấm các ngân hàng tham gia đầu tư hoặc mua bán tiền ảo; Trao đổi các tiền ảo; Tạo ra các nền tảng cho kinh doanh tiền ảo; Cho phép khách hàng sử dụng thẻ tín dụng để mua tiền ảo; Tư vấn cho khách hàng về đầu tư hoặc kinh doanh tiền ảo…
Tại Việt Nam, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trước những diễn biến phức tạp của tiền ảo, tháng 4/2018 Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo.
Thống đốc NHNN yêu cầu: các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế…
Các nhà quản lý lo ngại, song dường như quá nhiều nhà đầu tư đã chìm trong cơn say tiền ảo nên không đủ tỉnh táo để nhận ra dấu hiệu xuống dốc của tiền ảo. Đáng nói là thời điểm cuối năm 2017 có đến 80% giao dịch Bitcoin xuất phát từ châu Á, trong đó dẫn đầu là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Đã có nhiều người Việt Nam từng tin rằng đầu tư vào tiền ảo có thể mang lại lợi nhuận lên đến 300 - 350%/năm (?!). Vì thế lượng máy tính “đào” Bitcoin nhập khẩu về Việt Nam tăng cao khiến cơ quan chức năng từng phải đặt vấn đề cấm nhập khẩu “trâu cày” Bitcoin. Giờ thì chẳng cần cấm, nhiều dàn trâu này đang được rao bán vội vã. Bởi những người cày… ruộng ảo đã phải thừa nhận đầu tư 100 triệu đồng, giờ chỉ có thể thu về 10 triệu đồng qua bán trâu. Nếu không bán nhanh thì vốn đầu tư của họ sẽ bị âm.