Bình Định: Tín dụng ngân hàng đồng hành cùng tăng trưởng kinh tế
Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của Bình Định tiếp tục duy trì sự ổn định, phát triển bền vững, đạt thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,78% (kế hoạch năm 2024 tăng 7,5-8%), xếp thứ 26/63 địa phương trong cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 2/5 địa phương tiểu vùng Trung Trung bộ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần khu vực nông lâm thủy sản, tăng dần khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.
Đóng góp vào sự tăng trưởng ở địa phương, năm 2024 NHNN chi nhánh tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, chi nhánh đã tăng cường chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay, miễn, giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của Bình Định tiếp tục duy trì sự ổn định, phát triển bền vững, đạt thành tựu trên nhiều lĩnh vực. |
Nhìn chung, trong năm 2024 mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ngành Ngân hàng trên địa bàn Bình Định tiếp tục duy trì ổn định. Tổng dư nợ trên địa bàn ước đến 31/12/2024 đạt 111.650 đồng, tăng 8.012 tỷ đồng tương đương tăng khoảng 7,7% so với thời điểm cuối năm 2023. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Nợ xấu ước đến 31/12/2024 chiếm tỷ lệ khoảng 0,7% so với tổng dư nợ.
Chia sẻ với phóng viên thoibaonganhang.vn, ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Định cho biết, trong năm qua, các TCTD trên địa bàn đã triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng và giải pháp hỗ trợ khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…
Trong đó, triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững (Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng), đến thời điểm 30/11/2024, doanh số cho vay chương trình đạt 3.948,5 triệu đồng, dư nợ cho vay đạt 3.863,2 triệu đồng.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại buổi gặp mặt, động viên ngành Ngân hàng Bình Định quyết toán năm 2024. |
Về triển khai thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02. Lũy kế đến ngày 30/11/2024, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 114 khách hàng với tổng giá trị nợ (gốc, lãi) đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 438,44 tỷ đồng.
Trong khi đó, triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (60.000 tỷ đồng), đến ngày 30/11/2024 tổng số khách hàng được vay vốn chương trình là 46 khách hàng (tăng 21 khách hàng so với thời điểm cuối năm 2023), doanh số cho vay đạt 4.440,99 tỷ đồng (tăng 2.907,99 tỷ đồng so với cuối năm 2023), dư nợ vay đạt 898,19 tỷ đồng.
Năm 2024, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ngành Ngân hàng trên địa bàn Bình Định tiếp tục duy trì ổn định. |
Đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, ngay từ đầu năm NHNN chi nhánh tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn. Thực hiện kế hoạch, các TCTD đã chủ động nắm bắt nhu cầu về vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân; chủ động tiếp cận khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Kết quả trong năm 2024, đã có 26 chi nhánh NHTM, 63 khách hàng trong đó: 61 doanh nghiệp và 2 cá nhân tham gia Chương trình với tổng số tiền cam kết cho vay là 4.551 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các chi nhánh NHTM trên địa bàn cũng đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, các quy trình nội bộ ngân hàng tiếp tục được tối ưu hóa nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí đơn vị. Ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số như: ngân hàng điện tử (Internet/Mobile banking), các dịch vụ giao dịch tự động, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua thẻ…
Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn Bình Định đang được đẩy mạnh. |
Hoạt động thanh toán được diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt; hệ thống ATM, POS trên địa bàn tiếp tục hoạt động ổn định và được các TCTD quan tâm đầu tư, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tiếp tục được chú trọng mở rộng, đặc biệt trong các lĩnh vực như, thu, chi ngân sách nhà nước, giáo dục, y tế, an sinh xã hội...
Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua hoạt động ngành Ngân hàng Bình Định vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Trong đó, nổi lên là việc nhu cầu vay vốn của cả người dân lẫn doanh nghiệp còn chưa cao. Một số ngành sản xuất, kinh doanh và đầu tư có nhu cầu vốn lớn (bất động sản, xây dựng…), mặc dù nhu cầu tiêu dùng của thị trường có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc hơn so với năm 2023, tuy nhiên chưa thực sự mạnh mẽ do đó tác động đến khả năng hấp thụ vốn trên địa bàn.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn cơ bản dẫn tới khả năng tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế, cụ thể: thiếu phương án kinh doanh khả thi, tình hình tài chính chưa minh bạch, khả năng quản trị doanh nghiệp còn yếu kém, một số doanh nghiệp còn chưa chủ động tìm hiểu các chương trình tín dụng, sản phẩm và các dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh, một số dự án đầu tư trên địa bàn chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định, chưa triển khai trên thực tế… dẫn tới khả năng tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng cũng hạn chế.
Mô hình vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi cá lồng ở huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định. |
Mới đây, phát biểu tại buổi gặp mặt và động viên ngành Ngân hàng Bình Định quyết toán năm 2024, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết những kết quả quan trọng trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của địa phương có sự đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng.
Bên cạnh đó, ông Phạm Anh Tuấn cũng gợi mở các giải pháp giúp ngành ngân hàng tăng trưởng tín dụng trong năm 2025, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Trong đó, các TCTD bám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tăng cường tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; chủ động kết nối, tiếp cận các đối tác và cung ứng nguồn vốn kịp thời.
Thời gian tới sẽ có rất nhiều nhà đầu tư đến Bình Định để tìm hiểu, đăng ký đầu tư và triển khai các dự án, NHNN chi nhánh tỉnh rà soát, lập danh sách các ngân hàng có hoạt động tín dụng tốt gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư và UBND tỉnh để giới thiệu với các đối tác, nhà đầu tư khi có họ nhu cầu vay vốn. Đây cũng là một trong những giải pháp thu hút đầu tư và giữ chân các nhà đầu tư…
“Tổng sản phẩm năm 2025 của Bình Định có tăng trưởng được hai con số hay không phụ thuộc rất lớn vào ngành ngân hàng. Đây vừa thách thức vừa là cơ hội và trách nhiệm của giám đốc chi nhánh các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Trên tinh thần đó, các ngân hàng phải thực sự hành động, vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao và phải có kết quả cụ thể” - ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. |